Chỉ thị 525-TTg về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội miền núi do Thủ tướng chính phủ ban hành

Số hiệu 525-TTg
Ngày ban hành 02/11/1993
Ngày có hiệu lực 17/11/1993
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 525-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI 

Từ khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị tháng 11 năm 1989 và Quyết định số 72-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 13-3-1990 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương miền núi đã có bước chuyển biến mới; đã có một số mô hình mới. Thế nhưng, tình hình miền núi và dân tộc chuyển biến còn chậm; nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành nhưng việc chỉ đạo thực hiện chưa đến nơi đến chốn.

Cuối tháng 9 năm 1993, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển kinh tế - xã hội miền núi nhằm kiểm điểm và bàn biện pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22 và Quyết định số 72-HĐBT nói trên.

Căn cứ vào thực tế tình hình và ý kiến của các ngành, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị thực hiện những chủ trương, biện pháp sau đây, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội miền núi, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 22 và Quyết định số 72-HĐBT ngày 13-3-1990 và quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng (khoá VII) gần đây về "đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn".

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc, để ngay từ năm 1994, đạt cho được các mục tiêu đã đề ra cho năm 1995 và đến năm 1995, có một số mục tiêu phải vượt cao hơn mức dự kiến, đồng thời tích cực chuẩn bị cho bước phát triển trong các năm sau.

1. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền núi.

Cần căn cứ vào yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá của cả nước, vào các khả năng mới, thực hiện từng bước việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền núi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn về rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi quy mô lớn, cùng với những tiềm năng về phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Cơ cấu kinh tế mới của miền núi phải được hình thành theo yêu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước và được điều chỉnh dần qua từng thời gian.

- Về nông nghiệp, phải xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất của từng vùng sinh thái, kể cả các tiểu vùng; phải hình thành cho được những vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung quy mô lớn. Đến nay, đã rõ là miền núi không thể đi lên bằng lương thực, tuy lương thực tại chỗ là rất quan trọng, phải tập trung vào một số vùng có điều kiện thâm canh, tăng năng suất, đạt hiệu quả cao. Với khả năng sản xuất lương thực hiện nay của cả nước, phải tổ chức thật tốt việc điều hoà lưu thông lương thực trong phạm vi một vùng hoặc trong cả nước để bảo đảm nhu cầu lương thực cho miền núi bằng nguồn tài nguyên phong phú của miền núi.

- Về lâm nghiệp, bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng mới, tạo được những vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; khôi phục được môi trường sinh thái kể cả bảo vệ thảm thực vật. Có chế độ sử dụng nguồn tài nguyên từ rừng hợp lý theo yêu cầu của từng loại rừng.

- Về công nghiệp, cần tiếp tục sắp xếp lại; những xí nghiệp kể cả nhỏ và vừa làm ăn có hiệu quả cần thiết duy trì và phát triển sản xuất cần được đầu tư chiều sâu; đối với những xí nghiệp không cần giữ hình thức quốc doanh thì mạnh dạn chuyển đổi sở hữu hoặc tổ chức lại, sáp nhập, cổ phần hoá, v.v...

Bộ Công nghiệp nặng khẩn trương tổ chức việc sản xuất các loại công cụ phù hợp với yêu cầu của miền núi (cho sản xuất nông nghiệp, làm rừng, máy chế biến nông sản, lâm sản, v.v...).

Hướng chủ yếu của miền núi là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, lâm sản, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói... ở những nơi có điều kiện).

+ Địa phương cần phát triển nhiều xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa.

+ Trung ương tập trung vào những xí nghiệp lớn có ý nghĩa quyết định đối với cả nước hoặc từng vùng (gang thép, thuỷ điện lớn, v.v...).

Khuyến khích các tỉnh miền núi liên doanh, kêu gọi vốn với các thành phần kinh tế trong vùng, trong nước và ngoài nước để tạo điều kiện phát triển nhanh công nghiệp miền núi.

- Về vấn đề đầu tư nước ngoài: Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có trách nhiệm giúp các địa phương miền núi tìm đối tác nước ngoài; trình Chính phủ sớm các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng miền núi.

Các tỉnh miền núi xây dựng sớm các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, đề xuất các chính sách cụ thể đối với từng dự án.

2. Về vấn đề bảo vệ rừng gắn với định canh, định cư.

Các tỉnh miền núi phải coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất cấp bách. Chỉ thị số 462-TTg ngày 11-9-1993 đã đề ra các chủ trương và biện pháp rất toàn diện và cơ bản về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác gỗ. Các ngành và các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các chủ trương và biện pháp đã đề ra trong Chỉ thị nói trên.

Trong 2 năm 1994-1995, chủ yếu tập trung sức bảo vệ cho được vốn rừng hiện có, kể cả dùng vốn đáng lẽ dành để trồng mới cho việc bảo vệ rừng; nhất thiết không để rừng tiếp tục bị tàn phá như hiện nay. Số vốn dành cho các dự án theo Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 phải tập trung chủ yếu vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho được vốn rừng hiện có. Mỗi tỉnh, mỗi huyện phải xác định rõ bước đi thích hợp, chỉ nơi nào đã bảo vệ được tốt, không còn (hoặc còn rất ít) đồng bào du canh du cư, thì vừa tiếp tục định canh, định cư, vừa phát triển rừng, trồng cây theo các chương trình.

Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục Quản lý ruộng đất cùng các địa phương thực hiện ngay việc đóng cửa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trên núi đá, rừng nghèo phải khoanh nuôi để xúc tiến tái sinh. Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định địa điểm, diện tích và phạm vi cụ thể của từng khu rừng này; xác định rõ diện tích giao cho các đơn vị quốc doanh và quân đội quản lý, diện tích giao cho dân bảo vệ, khoanh nuôi.

Đối với số đồng bào còn du canh, du cư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh nắm lại số hộ, số nhân khẩu hiện còn du canh, du cư hoặc đã định cư nhưng còn du canh; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định rõ mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ định canh, định cư: nơi nào có điều kiện thì hoàn thành ngay từ các năm 1994 hoặc 1995, phần còn lại thì đến hết năm 1996.

Đối với các hộ còn du canh, du cư, cần khoanh cho mỗi hộ một số diện tích, bảo đảm về lương thực, để các hộ này có trách nhiệm quản lý, bảo đảm rừng không bị phá, không bị cháy và được hưởng lợi ích, cụ thể là:

- Đối với rừng có sẵn hiện còn là tự nhiên và rừng đã trồng bằng vốn ngân sách: có thể khoán đến từng hộ gia đình để bảo vệ và nếu là rừng sản xuất, khi khai thác, các hộ nhận khoán được hưởng một tỷ lệ nhất định;

- Đối với rừng tự nhiên khoanh nuôi để tái sinh: mỗi hộ được giao khoán để tu bổ, chăm sóc và nếu là rừng sản xuất, khi khai thác, các hộ này cũng được hưởng lợi ích;

- Đối với đồi núi trọc: Nhà nước dùng vốn ngân sách để đầu tư trồng các loại rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, rừng sản xuất có chu kỳ trên 20 năm theo quy hoạch. Nhà nước cho các hộ gia đình vay vốn để họ trồng rừng mới (nông - lâm kết hợp) theo quy hoạch.

Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ quy định các định mức khoán và tỷ lệ lợi ích khi rừng sản xuất được khai thác như nói ở trên.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ