BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
4713/CT-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2010 -
2011
Năm học 2010 - 2011 là năm học
triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009 và Nghị quyết số
50/2010/NQ-QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội khóa 12 về “Việc thực hiện
chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo
đối với giáo dục đại học”; là năm học thứ hai Ngành Giáo dục thực hiện Chỉ thị
số 296/CT-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành
động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn
2010 - 2012.
Chủ đề năm học 2010 - 2011 đối với
giáo dục đại học là: “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo”.
Việc đổi mới quản lý giáo dục đại
học trong năm học 2010 - 2011 cần đáp ứng 5 yêu cầu sau đây:
1. Toàn ngành tiếp tục thực hiện
đổi mới quản lý giáo dục đại học theo Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 ngày 19
tháng 6 năm 2010 của Quốc hội khóa 12 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật
về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học”; Chỉ
thị số 296/CT-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương
trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học
giai đoạn 2010-2012.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại
học, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng dự án Luật Giáo dục Đại học để
trình Quốc hội vào cuối năm 2011; thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua
việc tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, tổng kết
thực tiễn thi hành pháp luật và việc thanh tra, kiểm tra, giám sát.
3. Căn cứ vào vị trí, điều kiện,
chất lượng và hiệu quả quản lý, các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự
chủ và chịu trách nhiệm xã hội về hoạt động của trường. Đặc biệt, các trường phải
thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của trường, cũng như
thực hiện 3 công khai theo quy định.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai
trò liên kết, phát huy các nguồn lực, sáng kiến của các cơ sở giáo dục đại học
trong cả nước thành nguồn lực, sáng kiến của toàn ngành, phục vụ cho sự phát
triển bền vững của mỗi cơ sở giáo dục đại học và của cả hệ thống.
5. Thực hiện đổi mới quản lý hệ
thống giáo dục đại học tiến hành đồng bộ ở cả 3 cấp: cấp Trung ương, cấp địa
phương và các cơ sở giáo dục đại học, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước có
quyền và trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ và đánh giá hoạt động của các cơ sở giáo dục
đại học, đồng thời chịu sự đánh giá của các cơ sở giáo dục đại học về việc thực
hiện chức năng quản lý nhà nước của mình theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở 5 yêu cầu đổi mới quản
lý giáo dục đại học và chủ đề năm học 2010 - 2011 đã nêu trên, các nhiệm vụ trọng
tâm của năm học 2010 - 2011 đối với giáo dục đại học là:
I. Tiếp tục
thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học
1. Triển khai việc phân cấp mạnh
mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, đồng thời phát huy cao độ tính chủ
động, sáng tạo và tự kiểm soát của các cơ sở theo các quy định của pháp luật,
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhà nước, của xã hội và của
các cơ sở.
2. Các cơ sở giáo dục đại học
công bố cam kết chất lượng đào tạo và Chương trình hành động đổi mới quản lý,
nâng cao chất lượng đào tạo của trường giai đoạn 2010-2012; Kế hoạch xây dựng
Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và định hướng phát triển đến năm
2020.
3. Tổ chức sơ kết đánh giá kết
quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 296 và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới
quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
4. Xác định các tiêu chí và
phương thức đánh giá giảng viên, đánh giá lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học và
đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao tinh thần
trách nhiệm, hiệu quả quản lý của cán bộ, giảng viên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh
để nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.
II. Công tác
tuyển sinh và đào tạo
1. Công tác tuyển sinh
1.1. Thực hiện Nghị quyết
37/2004/NQ-QH11 ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khóa XI về giáo dục: tiếp
tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực,
giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Trong
năm 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyển
sinh và tham khảo ý kiến rộng rãi các cơ sở giáo dục đại học, các Sở Giáo dục
và Đào tạo và trong toàn xã hội để xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho
những năm sắp tới.
1.2. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
tuyển sinh hệ vừa làm vừa học theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội
của các cơ sở giáo dục đại học trong tất cả các khâu có liên quan.
1.3. Xây dựng qui chế tuyển sinh
đặc thù, thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu của xã hội ở các khu công
nghiệp tập trung, các vùng miền khó khăn.
2. Công tác đào tạo
2.1. Các cơ sở giáo dục đại học
tiếp tục thực hiện việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Bộ Giáo dục
và Đào tạo sẽ sửa đổi bổ sung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống
tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam; xây dựng khung
chính sách quy định về việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở.
2.2. Tăng cường giảng dạy kỹ
năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ cho sinh viên các cơ sở
giáo dục đại học.
2.3. Căn cứ hướng dẫn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo , các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và công bố chuẩn đầu
ra cho từng ngành đào tạo, trình độ đào tạo.
2.4. Tăng cường hợp tác trong
đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp,
thông qua việc ký kết các hợp đồng, thoả thuận hợp tác. Triển khai tích cực các
hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã ký kết.
2.5. Tổ chức quản lý chặt chẽ
quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học
tập, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy chế thi, kiểm tra và đánh giá.
2.6. Rà soát, thống kê cơ cấu
ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học trong cả nước, địa
phương, vùng miền, lĩnh vực,... làm căn cứ cho việc giao nhiệm vụ mở ngành đào
tạo.
2.7. Giao cho thủ trưởng các cơ
sở giáo dục đại học quyết định việc thiết kế, in ấn, quản lý và cấp phát chứng
chỉ giáo dục thể chất; đồng thời thực hiện thí điểm, có lộ trình phân cấp cho
các cơ sở giáo dục đại học quản lý tốt một số nhiệm vụ trong việc in ấn, quản
lý văn bằng; mở ngành đào tạo; quyết định hình thức đào tạo.
2.8. Xây dựng các tiêu chí xác định
mức tương quan giữa đầu tư, học phí và chất lượng đào tạo theo tinh thần Nghị
quyết 50; triển khai thí điểm ở một số cơ sở giáo dục đại học để rút kinh nghiệm
tiến tới nhân rộng trong toàn hệ thống, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo
dục đại học.
2.9. Trên cơ sở thành quả của
các chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao, tổ chức thí điểm
phân tầng chất lượng đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học có điều kiện để
rút kinh nghiệm và nhân rộng.
2.10. Điều chỉnh, bổ sung qui chế
đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng mở rộng đối tượng tuyển sinh đầu
vào, tăng cường kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và thiết lập sự
phân luồng đào tạo thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp.
III. Đánh giá
và kiểm định chất lượng giáo dục
1. Triển khai thực hiện “Đề án
xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học
và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020”; ban hành các văn bản quy định
để thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm triển khai đồng bộ và
hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2. Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất
lượng bên trong của nhà trường để từng bước hình thành văn hóa chất lượng giáo
dục. Tiếp tục kiện toàn đơn vị chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng
trong nhà trường; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; đẩy mạnh
tự đánh giá theo kế hoạch. Chủ động bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác tự
đánh giá cũng như cho hoạt động đánh giá ngoài. Chú trọng thực hiện các cam kết
về cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục dựa trên kết quả tự đánh giá và đánh
giá ngoài.
3. Tăng cường vai trò quản lý,
chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản đối
với các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai công tác đảm bảo và kiểm định
chất lượng giáo dục đại học, nhất là đối với tiến độ tự đánh giá và cải tiến
nâng cao chất lượng giáo dục dựa trên kết quả tự đánh giá.
4. Khuyến khích các cơ sở giáo dục
đại học đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế, hướng tới việc
công nhận lẫn nhau về tín chỉ, chương trình, bằng cấp giữa các trường đại học
Việt Nam và các trường đại học có uy tín trên thế giới.
5. Xây dựng chuẩn tối thiểu
trình độ đại học.
IV. Nghiên cứu
khoa học và chuyển giao công nghệ
1. Đề xuất với Bộ Khoa học và
Công nghệ để tham gia tuyển chọn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước gồm
các đề xuất về đề tài độc lập, dự án sản xuất thử nghiệm và nhiệm vụ nghiên cứu
theo Nghị định thư ký với nước ngoài;
2. Triển khai các đề tài nghiên
cứu khoa học công nghệ cấp Bộ và một số chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ
phục vụ công tác giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Xây dựng đề án thành lập Quỹ
Hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
V. Công tác tổ
chức và cán bộ
1. Ban hành Quy chế tổ chức và
hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học theo khối ngành.
2. Khảo sát tình hình thực hiện
Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của liên Bộ Giáo dục
và Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các đơn vị.
3. Kiểm tra việc xây dựng và thực
hiện quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, kiểm tra công
tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách (nghỉ hưu,
BHXH, tinh giảm biên chế ...) tại các đơn vị.
4. Khảo sát, đánh giá việc thành
lập Hội đồng trường, hoạt động của Hội đồng trường (các trường đã thành lập) và
đề xuất hướng xây dựng văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng
trường đại học, cao đẳng, trong đó có quy định về phối hợp hoạt động của Hội đồng
trường, Đảng ủy, Ban Giám đốc/Ban Giám hiệu.
5. Tiếp tục khảo sát đánh giá và
tổng kết 15 năm hoạt động của mô hình đại học quốc gia, đại học hai cấp, để xây
dựng cơ chế chính sách phù hợp.
VI. Hợp tác
và đào tạo quốc tế
1. Đẩy mạnh việc ký kết các điều
ước và thỏa thuận quốc tế về giáo dục đại học.
2. Triển khai rà soát, kiểm tra
các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài giúp các cơ sở đào tạo Việt Nam
thực hiện đúng quy định và đảm bảo chất lượng.
3. Tiếp tục thực hiện cử lưu học
sinh đi học nước ngoài. Dự kiến trong năm học 2010-2011 có 1.200 học bổng NSNN,
575 học bổng hiệp định, 200 học bổng diện xử lý nợ và khoảng 100 học bổng từ
các nguồn khác.
VII. Công tác
kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất
1. Dự kiến chỉ tiêu năm 2011:
tuyển sinh đại học, cao đẳng tăng 5 đến 7%; tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%,
đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010. Đối với các trường đại học, đặc biệt
là các trường đại học tốp đầu sẽ giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học; giảm
dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, mở rộng
quy mô đào tạo sau đại học và đào tạo đại học chính quy.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng
cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh đối với những
cơ sở giáo dục đại học thành lập trước năm 2010 nhưng chưa xây dựng được cơ sở
riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập.
3. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục
đại học và các cơ quan liên quan thực hiện công bố công khai và thực hiện tốt
các chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo
sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập
đều được đi học.
4. Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch
phát triển tổng thể của các cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị để có cơ sở lập
quy hoạch xây dựng, gắn việc quy hoạch xây dựng với tăng cường công tác đảm bảo
và nâng cao chất lượng đào tạo, nhiệm vụ công tác của các đơn vị.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp
với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các
Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng hệ
thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ
Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 699/QĐ-TTg và
số 700/QĐ-TTg ngày 2/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp
với Ủy ban nhân dân Tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án
Xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại Tỉnh Hưng Yên theo Quyết định số 999/QĐ-TTg
ngày 10/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển
khai thực hiện đề án xây dựng ký túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng,
đến năm 2011 giải quyết được khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên theo Quyết định
số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
VIII. Công
tác học sinh, sinh viên
1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07 tháng 11năm 2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập
và rèn luyện của học sinh, sinh viên, xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực trong học
tập, thi cử.
2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thực hiện các hoạt động liên quan đến đáp ứng chất lượng đầu ra về các kỹ năng,
phẩm chất, thái độ của sinh viên.
3. Xây dựng các quy tắc ứng xử
văn hóa trong sinh viên; Giáo dục đạo đức lối sống, ngăn chặn bạo lực học đường;
Tăng cường tuyên truyền, định hướng cho sinh viên để nhận thức được mặt trái của
trò chơi điện tử trực tuyến (game online) và các loại phim, ảnh có nội dung xấu.
IX. Công tác
pháp chế
1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
Chỉ thị số 40/2004/CT-BGD&ĐT ngày 21/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của
ngành giáo dục.
2. Thường xuyên tổ chức kiểm tra
việc thực hiện pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tệ
nạn xã hội và các tiêu cực khác trong hoạt động giáo dục theo quy định của pháp
luật.
3. Cử cán bộ làm công tác pháp
chế tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công tác
pháp chế do các cơ quan, đơn vị tổ chức; tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
khi được các cơ quan, đơn vị gửi lấy ý kiến; phối hợp với các đơn vị chức năng
tổ chức kiểm tra việc thực hiện và đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp
luật.
4. Thực hiện tốt công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị. Đảm bảo phổ biến kịp thời và tổ chức thực
hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và các văn bản quy
phạm pháp luật có liên quan. Mỗi cán bộ, nhà giáo, công nhân viên, người học phải
nêu cao tinh thần sống, làm việc và học tập theo pháp luật.
X. Công tác
thanh tra, kiểm tra
1. Tăng cường thanh tra thi tốt nghiệp
phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng góp phần bảo đảm các kỳ thi diễn ra an
toàn, nghiêm túc đúng quy chế.
2. Đẩy mạnh công tác thanh tra,
kiểm tra việc đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảngviên, chương trình đào tạo,
giáo trình và công tác đánh giá, thi, kiểm tra; hoạt động liên kết đào tạo, đào
tạo theo hình thức vừa làm vừa học nhằm khắc phục và tiến tới xóa bỏ về cơ bản
hiện tượng học thuê, thi thuê.
3. Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường, cơ sở vật chất, đội
ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất
lượng đào tạo.
4. Tập trung thanh tra, kiểm tra
việc thẩm định hồ sơ thành lập trường, các thủ tục triển khai các dự án ODA, việc
thực hiện thu chi trong các trường đại học, cao đẳng, quy chế thực hiện công
khai đối với các trường.
XI. Tổ chức
các Hội nghị, hội thảo, tập huấn
1. Hội nghị tổng kết về công tác
xã hội hóa .
2. Hội nghị đào tạo nhân lực cho
3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
3. Hội nghị tổng kết mô hình hoạt
động của Hội đồng trường.
4. Hội nghị về triển khai Thông
tư số 07 và phân cấp quản lý giáo dục đại học.
5. Hội nghị tổng kết 10 năm hợp
tác quốc tế về giáo dục đại học.
6. Hội nghị tổng kết 10 năm thực
hiện Đề án 322.
7. Hội nghị tổng kết 3 năm thực
hiện đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.
8. Hội nghị tập huấn công tác đối
ngoại, hợp tác quốc tế cho các trường đại học, cao đẳng.
XII. Tổ chức
thực hiện
Trong năm học này, lãnh đạo các
cơ sở giáo dục đại học tập trung cam kết mục tiêu của cơ sở, chọn 5 mục tiêu cụ
thể để tập trung chỉ đạo, công bố cho giảng viên, sinh viên và báo cáo Bộ Giáo
dục và Đào tạo trước ngày 15/11/2010, để tập trung đánh giá.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục đại học thực
hiện nhiệm vụ năm học; kịp thời báo cáo, phản ánh tình hình, đề xuất các giải
pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Chỉ thị này được phổ biến tới tất
cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở
giáo dục đại học để quán triệt và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Uỷ ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tổ chức TW;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Hiệp hộicác trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam;
- Các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (để phối hợp thực hiện);
- Các Bộ, ngành có trường ĐH, CĐ (để phối hợp chỉ đạo);
- Các ĐH, HV, Trường ĐH, trường CĐ (để thực hiện);
- Các đơn vị trong cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Website Bộ; Báo GD&TĐ;
- Lưu: VT, GDĐH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|