BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3008/CT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 8 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC
THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 2014 - 2015
Căn cứ các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết
định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ tình hình thực tiễn của ngành
Giáo dục; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị:
Năm học 2014-2015, toàn ngành tập
trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế”, tập trung vào bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Về công tác quản
lý giáo dục và đào tạo
Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, ban
hành đồng bộ hệ thống văn bản về quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương;
triển khai công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo
đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý
Nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ; thực hiện giao quyền tự chủ
và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục một cách đồng bộ và hiệu
quả.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của
cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử
lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.
Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu
quản lý thống nhất trong toàn ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
vào công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu với
các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để xây
dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp trong và ngoài nhà trường, xóa bỏ các
hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân; phối hợp đảm bảo an ninh, trật
tự trường học; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.
2. Về tổ chức hoạt
động giáo dục
2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học
Tiếp tục triển khai học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm,
năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh gắn với việc đưa nội dung
các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên
trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục.
Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm
non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở,
thực hiện xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập; tăng cường công tác
phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ
thông; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo
cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với giáo
dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế
độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền
núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Thông tin, truyền thông kịp thời các
chủ trương, giải pháp trong quản lý và đổi mới giáo dục. Đổi mới công tác thi
đua khen thưởng gắn với hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục; nâng cao chất
lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
2.2. Giáo dục mầm non
Tăng cường các điều kiện để nâng cao
chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm
non; triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng
đồng.
Đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho
trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm
non ở các vùng khó khăn.
Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục
mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các khu chế xuất,
khu công nghiệp tập trung.
2.3. Giáo dục phổ thông
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải
pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất
học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến
thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo và tự học. Tiếp tục triển khai
đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm
tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp
đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Chỉ đạo và hướng dẫn các trường phổ
thông căn cứ chương trình giáo dục của cấp học chủ động xây dựng và triển khai
kế hoạch hoạt động giáo dục trong năm học đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều
kiện cụ thể của địa phương.
Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục
phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất
các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy và học
ngoại ngữ một cách hiệu quả. Tiếp tục mở rộng triển khai mô hình trường học mới
Việt Nam (VNEN) cấp tiểu học; triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt
Nam cấp THCS. Mở rộng áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ
giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương;
Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, học
và kiểm tra đánh giá học sinh; mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các cấp học
phổ thông, nhất là cấp tiểu học. Phát động sâu rộng, nâng cao hiệu quả cuộc thi
khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và dạy học thông qua di sản.
2.4. Giáo dục thường xuyên
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Đề án Xóa mù chữ đến năm
2020.
Tổ chức lại các trung tâm giáo dục
thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp và trung tâm
dạy nghề cấp huyện theo hướng: Giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng
loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình
cụ thể của từng địa phương; đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đào tạo tại
các trung tâm, chú trọng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công
chức, viên chức và người lao động.
Củng cố mô hình hoạt động của trung
tâm học tập cộng đồng theo hướng kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã
nhằm giúp trung tâm hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
2.5. Giáo dục chuyên nghiệp
Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành
nghề đào tạo, các hình thức đào tạo gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp
với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực
của Bộ, ngành và địa phương.
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo trung cấp
chuyên nghiệp đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo
và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học nâng cao
hiệu quả đào tạo; kết hợp dạy chương trình bổ túc văn hóa với đào tạo trung cấp
chuyên nghiệp và phối hợp với các trường phổ thông để thực hiện giáo dục hướng
nghiệp và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ công tác
phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội,
hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.
3. Về phát triển
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Tổ chức quán triệt trong đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
có nhận thức đúng và hành động thiết thực triển khai các hoạt động đổi mới của
ngành.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ
sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm
tra, đánh giá.
Nghiên cứu để chuyển việc đánh giá
giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ chú trọng bằng cấp sang chú trọng
năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học
sinh.
Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung chỉ đạo và triển khai đổi
mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường
sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý
giáo dục. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên
phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào
năm 2016.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế
độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đối với
nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải
đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách đối với giáo viên mầm
non. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho các cơ sở đào tạo giáo
viên, cho đội ngũ nhà giáo và sinh viên học ngành sư phạm.
4. Về tăng nguồn
lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài
chính giáo dục; sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục; đẩy
mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Các tỉnh, thành phố ưu tiên phân bổ ngân
sách cho giáo dục và đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương, ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm
non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo chất lượng; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở
khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật,
thiết bị dạy học, học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục
để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần
thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo tổ chức rà soát, mua sắm bổ
sung sách, thiết bị dạy học, bảo đảm sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng,
thiết bị hiện có và mua mới; tiếp tục triển khai phong trào tự làm đồ dùng dạy
học tại các nhà trường.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch
mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn
2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bảo đảm đủ quỹ đất theo
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, phù hợp với
yêu cầu xây dựng trường học theo hướng hiện đại hóa, trường đạt chuẩn quốc gia.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các
Đề án, Chương trình và Dự án về giáo dục đào tạo theo mục tiêu và lộ trình đã được
phê duyệt.
Để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm
vụ trọng tâm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:
Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo,
căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy/Thành ủy,
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có Kế hoạch triển khai
Chương trình hành động về đổi mới giáo dục và đào tạo, ban hành Chỉ thị về nhiệm
vụ trọng tâm năm học 2014-2015 ở địa phương, chủ động phát huy sự cộng tác, phối
hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để ngành Giáo dục có điều kiện
thuận lợi thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Phòng
Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục của tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm
vụ năm học 2014-2015.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các cấp quản lý giáo dục địa
phương thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học; báo cáo, phản ánh tình hình, đề
xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá
trình thực hiện.
Chỉ thị này được phổ biến tới cán bộ,
công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục
mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp để
quán triệt và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (Để báo cáo)
- Văn phòng Quốc hội; (Để báo cáo)
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; (Để báo cáo)
- Ban Tuyên giáo TW; (Để báo cáo)
- Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;
(Để phối hợp)
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam; (Để phối hợp)
- Hội Khuyến học Việt Nam; (Để phối hợp)
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; (Để phối hợp)
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; (Để thực hiện)
- Các đơn vị trong cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ; (Để thực hiện)
- Website Bộ;
- Lưu: VT, TH, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|