Chỉ thị 45-TTg năm 1962 về công tác và tổ chức văn hóa quần chúng ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 45-TTg
Ngày ban hành 09/04/1962
Ngày có hiệu lực 24/04/1962
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC VÀ TỔ CHỨC VĂN HÓA QUẦN CHÚNG Ở NÔNG THÔN

I

Thi hành nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 và Chỉ thị số 8 của Ban Bí thư, nhiều cấp, nhiều ngành đã hiểu công tác văn hóa dỡ phiến diện hơn trước và đã bắt đầu chỉ đạo công tác văn hóa trong quần chúng cụ thể hơn. Cán bộ trong ngành văn hóa có nhiều chuyển biến mới. Công tác văn hóa đã gắn với sản xuất và đời sống hơn trước. Phong trào văn hóa quần chúng đã phát triển tương đối rộng, ở miền núi và nơi thiên chúa giáo tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có một số nơi làm tốt.

Tuy nhiên, hoạt động văn hóa chưa được thường xuyên, còn nhiều tính chất cổ động hơn là tính chất giáo dục sâu sắc và xây dựng con người mới. Nội dung, hình thức còn nghèo và chưa thật sát với tâm lý và đặc điểm của nông dân, của các đối tượng khác nhau, của đồng bào thiên chúa giáo và các dân tộc miền núi, nên sức giáo dục chưa mạnh và chưa thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của quần chúng.

Nguyên nhân vì nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành về công tác văn hóa chưa toàn diện đúng mức, chưa thấy được công tác văn hóa là công tác giáo dục con người toàn diện, nên thường tách rời công tác văn hóa với công tác tư tưởng và với sản xuất. Đến nay vẫn còn  một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh, huyện, và nhất là ở xã còn cho công tác văn hóa là chưa cần thiết, chưa thấy rõ công tác văn hóa có tác dụng rất lớn thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ngành văn hóa nói chung cũng chưa quán triệt đầy đủ nhiệm vụ giáo dục và xây dựng con người mới, nhiệm vụ phục vụ sản xuất phục vụ nông dân lao động, nên chưa thật quyết tâm hướng tất cả về cho cơ sở đem văn hóa và văn nghệ gắn chặt với sản xuất và đời sống. Việc đào tạo bỗi dưỡng cán bộ tuy coi là khâu chính nhưng làm được còn ít, còn chậm; trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ của cán bộ còn thấp. Kinh nghiệm tốt, điển hình tốt, chưa được phổ biến rộng rãi. Công tác nghiên cứu còn yếu, do đó chưa mở rộng và nâng cao được phong trào tiến lên mạnh mẽ.

II

Thi hành nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5, nhiệm vụ công tác văn hóa trong nông dân là phải dùng mọi vũ khí văn hóa của Nhà nước, tập trung mọi lực lượng trong mặt trận văn hóa, hướng bộ phận lớn hoạt động về cơ sở nông thôn, thúc đẩy phong trào văn hóa quần chúng để giáo dục xây dựng con người nông dân mới về mọi mặt nhằm tích cực góp phần thực hiện: đoàn kết nông thôn, tăng cường lực lượng của hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là:

1. Giáo dục sâu sắc 4 quan điểm gắn chặt với tinh thần nghị quyết Trung ương lần thứ 5. Chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lấy tinh thần kháng chiến mà bồi dưỡng ý chí phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Tăng cường việc phổ biến thời sự, chính sách, tuyên truyền những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin cho cán bộ, đảng viên và xã viên.

2. Phổ biến sâu rộng những hiểu biết khoa học thường thức trong sản xuất, trong đời sống và những biện pháp kỹ thuật mới một cách thích hợp với điều kiện từng vùng và hoàn cảnh của địa phương. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, tiến quân mạnh mẽ vào khoa học, kỹ thuật nông nghiệp.

3. Đưa nhanh, nhiều và sâu rộng hơn nữa văn hóa tốt đẹp của dân tộc và của thế giới đến quần chúng, phát động mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng và tổ chức nghỉ ngơi có văn hóa cho nông dân. Giáo dục khiếu thẩm mỹ mới và hướng dẫn cách ăn, mặc ở, thể dục, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe.

4. Bài trừ mê tín dị đoan, tệ tục xã hội, những thói quen xấu, tính cực xây dựng nếp sống mới trong sinh hoạt xã hội và gia đình một cách thích hợp.

5. Ra sức giữ gìn các truyền thống văn hóa tốt đẹp thời trước, các công trình kiến trúc và điêu khắc đẹp đẽ, các sách vở, tài liệu chữ hán, chữ nôm, các nghề mỹ nghệ.

Để bảo đảm thực hiện tốt những việc trên, phải nắm chắc những phương châm trong Chỉ thị số 08/CT-TU và các phương pháp công tác chính sau đây:

1. Phải nắm thật vững, nội dung tư tưởng của các hoạt động văn hóa là nhằm giáo dục, đào tạo con người toàn diện, phải gắn chặt với sản xuất và đời sống của nông dân xã viên, phải thích hợp với nguyện vọng nông dân và đặc điểm nông thôn.

2. Phải kịp thời và hết sức cổ vũ cái mới, lấy điển hình việc tốt, người tốt trong sản xuất và đời sống để giáo dục quần chúng và làm lan rộng ra.

3. Phải rất coi trọng việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương cả về nội dung và hình thức để giáo dục, động viên sản xuất và làm cơ sở xây dựng văn hóa mới.

4. Đặc biệt chú ý phương pháp giáo dục trực quan dễ hiểu, tai nghe, mắt thấy và so sánh cái cũ với cái mới, so sánh những cái mới với nhau.

Những phương pháp công tác kể trên đối với các dân tộc miền núi và đồng bào thiên chúa giáo lại càng cần thiết.

III

Căn cứ vào những chuyển biến mới và những khó khăn còn tồn tại ở nông thôn, căn cứ vào yêu cầu nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho nông dân trong giai đoạn hiện nay, phương hướng phát triển công tác văn hóa ở nông thôn trong thời gian trước mắt là:

Cùng với đà củng cố, phát triển hợp tác xã, phát triển sản xuất, cần đầy mạnh và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị sản xuất, dần dần quy tụ các hoạt động văn hóa quần chúng vào câu lạc bộ và thư viện làm trung tâm hoạt động, lấy hợp tác xã thôn làm cơ sở xây dựng câu lạc bộ và thư viện  là chính. Đồng thời ở đội sản xuất hay hợp tác xã nhỏ hiện nay, cũng có thể tổ chức câu lạc bộ nhỏ để hoạt động được thường xuyên, thuận tiện và sát với quần chúng hơn.

Điều kiện quy tụ các hoạt động văn hóa quần chúng vào câu lạc bộ là: hợp tác xã tương đối được củng cố, sản xuất phát triển, có một số cơ sở hoạt động văn hóa nhất định, có một số cốt cán tích cực, được Đảng ủy lãnh đạo chặt chẽ và Đoàn thanh niên lao động tham gia.

Tổ chức câu lạc bộ phải sát với tình hình thực tế, tránh hình thức, không có nội dung thực tế.

Phương châm hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ và thư viện là phải dựa vào những phần tử tích cực, thâm nhập vào tổ, đội sản xuất, mở rộng những hoạt động văn hóa bao gồm các hoạt động nhỏ, nhẹ có định kỳ và không có định kỳ, thích hợp với mọi hoàn cảnh như thích ứng với thời vụ sản xuất, với tâm lý, nguyện vọng và thì giờ của nông dân.

Những nơi đã có câu lạc bộ thì phải tích cực củng cố, nâng cao chất lượng, phối hợp thật tốt giữa tuyên truyền chính trị với phổ biến khoa học, kỹ thuật, thể dục, vệ sinh và văn nghệ, đặc biệt chú ý tổ chức các tổ nghiên cứu và phổ biến khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. phải thực hiện từng bước dự thảo quy tắc về câu lạc bộ nông thôn của Bộ Văn hóa.

[...]