Chỉ thị 368-TTg năm 1995 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 368-TTg |
Ngày ban hành | 22/06/1995 |
Ngày có hiệu lực | 07/07/1995 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 368-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1995 |
Chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước và các đoàn thể, hội quần chúng có sử dụng kinh phí do ngân sách cấp tổ chức thực hiện ngay một số việc dưới đây:
1. Trong việc xây dựng trụ sở cơ quan:
- Tạm hoãn xây dựng mới trụ sở cơ quan như đã quy định tại Quyết định số 829-TTg ngày 30-12-1994 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp buộc phải xây mới, thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm xây dựng cơ bản của Nhà nước và chỉ được sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong kế hoạch năm.
- Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn trụ sở làm việc, phòng làm việc của các loại cơ quan, cán bộ các cấp và việc sử dụng hội trường, phòng họp, nhà khách... trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương quy hoạch các khu, phòng làm việc; lập kế hoạch tu sửa các công trình hiện có và chuẩn bị cải tạo, xây dựng mới khi có điều kiện. Trước mắt, cần sắp xếp bố trí lại các cơ sở hiện có, đảm bảo nơi làm việc hợp lý, tiết kiệm, trang nghiêm và thiết thực. Các cơ quan, tổ chức đã được sắp xếp lại chỉ được sử dụng số diện tích trụ sở phù hợp với số biên chế mới; số diện tích dôi ra phải giao trả Chính phủ quản lý; Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ nhận, quản lý và trình Chính phủ việc phân phối sử dụng số diện tích đó.
Trong năm 1995 và nửa đầu năm 1996, Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Xây dựng có kế hoạch thu hồi và phương án sử dụng phần diện tích trụ sở, nhà khách dôi ra do việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tiến hành những công việc tương tự.
2. Trong việc mua sắm, sử dụng ô-tô con:
- Trong 2 năm 1995-1996, tạm đình chỉ việc mua sắm ô-tô con cho các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước và những đoàn thể, hội quần chúng có sử dụng nguồn vốn trợ cấp của ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cắt ngay khoản kinh phí đã bố trí mua sắm ô-tô con trong kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 1995. Tất cả các cơ quan, đơn vị phải tiến hành kiểm kê số ô-tô hiện có, phân loại và tự cân đối, điều hoà trong nội bộ ngành, địa phương. Việc điều hoà số ô-tô con, nếu là giữa các doanh nghiệp thì thực hiện bằng hình thức mua, bán; nếu là giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp thì điều động tăng giảm vốn, ngân sách không cấp thêm.
Trong trường hợp đặc biệt, việc mua sắm ô-tô con phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Thủ trưởng cơ quan chủ quản trình Thủ tướng chính phủ phải chịu trách nhiệm về những hệ quả của việc mua sắm này. Các doanh nghiệp Nhà nước nếu được phép mua, phải trang trải bằng vốn tự có (không phải ngân sách cấp).
- Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức tổng kiểm kê toàn bộ số xe ô-tô con thuộc tài sản Nhà nước hiện có ở các cơ quan, đoàn thể sử dụng ngân sách Nhà nước (riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tiến hành tổng kiểm kê số xe hiện có ở mỗi Bộ, xây dựng phương án điều hoà, báo cáo Bộ Tài chính). Bộ Tài chính tổng hợp lại và xây dựng chế độ quản lý, phương án điều hoà giữa các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ chậm nhất vào cuối quý III năm 1995.
- Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chế độ sử dụng ô-tô con, có tiêu chuẩn rõ ràng cho từng cấp; đồng thời có chính sách khuyến khích cán bộ sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi công tác trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thực hiện thống nhất trong cả nước.
3. Trong việc mua sắm đồ dùng, trang bị phương tiện làm việc của cơ quan:
- Việc mua sắm đồ dùng, phương tiện làm việc của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, hội quần chúng, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo thiết thực, không được vượt quá kế hoạch được duyệt đầu năm.
- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cùng Bộ Tài chính chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về trang, thiết bị, phương tiện làm việc theo đặc điểm, tính chất công việc của từng loại cơ quan thuộc các cấp khác nhau, nhằm từng bước đảm bảo điều kiện làm việc chính quy và hiện đại nhưng tiết kiệm.
4. Trong việc sử dụng điện, điện thoại, Fax:
- Kho bạc Nhà nước chỉ thanh toán tiền điện trong định mức được duyệt hàng năm cho các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đoàn thể, hội quần chúng có nhận trợ cấp của ngân sách Nhà nước; không thanh toán tiền điện cho cán bộ, công nhân viên sử dụng tại gia đình, tập thể cơ quan.
Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Năng lượng xây dựng và ban hành định mức sử dụng điện cho từng loại cơ quan, đơn vị, từng loại công chức, viên chức trong cả nước áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 1996.
- Việc sử dụng điện thoại, điện báo, Fax cho việc công phải đảm bảo tiết kiệm. Không dùng công quỹ để chi trả cước phí điện thoại, điện báo, Fax cho việc riêng.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Tổng cục Bưu điện ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn được mắc điện thoại công vụ đặt tại nhà riêng cho các đối tượng thực sự có nhu cầu giải quyết công việc ngoài giờ hành chính. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đoàn thể soát lại số máy điện thoại hiện có để sắp xếp bố trí lại đúng quy định. Gọi điện thoại ra nước ngoài vì việc công chỉ được thực hiện sau khi Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.
5. Trong việc sử dụng nhà công vụ:
Để từng bước thực hiện chế độ nhà công vụ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xây dựng Quy chế Nhà công vụ phân biệt rành mạch giữa nhà công vụ và nhà riêng, xác định chức danh, tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ và chế độ cho từng cấp sử dụng nhà công vụ; rà soát quỹ nhà hiện có (biệt thự cũ), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi chưa có nhà công vụ, nhà đang sử dụng của các chức danh có tiêu chuẩn nhà công vụ tạm xem là nhà "kiêm công vụ"; người được sử dụng nhà "kiêm công vụ" chỉ phải trả tiền nhà đã được tính trong cơ cấu tiền lương.
6. Trong việc chi tiêu hội nghị, tiếp khách:
Tất cả các ngành, các cấp phải cân nhắc chặt chẽ, hết sức hạn chế việc tổ chức các cuộc hội nghị, liên hoan kỷ niệm ngày thành lập và hội thảo cả về nội dung, số người tham dự và thời gian tiến hành. Các cuộc hội nghị tổng kết, liên hoan, kỷ niệm và hội thảo của các Bộ, ngành do ngân sách đài thọ toàn bộ hay một phần chi phí, nếu triệu tập toàn quốc thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ; nếu triệu tập toàn tỉnh, thành phố thì phải được phép của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc chi tiêu cho hội nghị, hội thảo phải theo đúng các chế độ, tiêu chuẩn do Bộ Tài chính quy định và đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị, không được bổ xung thêm ngoài kế hoạch, ngoài tiêu chuẩn bằng bất kỳ nguồn kinh phí nào. Nghiêm cấm các khoản chi quà tặng, tiền bồi dưỡng, hoặc tiền ăn trưa cho những người đang hưởng lương Nhà nước có tham dự hội nghị (trừ báo cáo viên các hội thảo khoa học có quy định riêng), các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trang trí ngoài quy định... Đại biểu đến dự họp phải tự trả tiền ăn, ở bằng công tác phí và một phần tiền lương của mình. Tất cả các cuộc họp, hội nghị không dùng thuốc lá và rượu, bia để giải khát.
b) Chi tiếp khách:
- Tất cả các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng chế độ chi tiêu tiếp khách đã được quy định. Chỉ tặng quà cho khách đến thăm và làm việc trong trường hợp thực sự cần thiết theo thông lệ quốc tế về lễ tân đối với khách nước ngoài.