Nghị quyết số 15-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 15-HĐBT
Ngày ban hành 08/02/1982
Ngày có hiệu lực 23/02/1982
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 15-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

I

Nước ta đã bước vào năm thứ hai của kế hoạch 5 năm lần thứ ba 1981 - 1985. Nền kinh tế đang có nhiều mặt mất cân đối gay gắt, song việc sử dụng lương thực, năng lượng, vật tư, thiết bị, tiền vốn ít hiệu quả và lãng phí nghiêm trọng; đời sống nhân dân còn nghèo nhưng việc tiêu dùng còn nhiều lãng phí, tệ xa hoa, phô trương, hình thức vẫn phát triển.

Để khắc phục tình trạng trên đây, trước mắt, trong năm 1982 phải bằng mọi cách thực hành tiết kiệm được khoảng 10% mức tiêu hao năng lượng, vật tư, nguyên liệu và các khoản chi tiêu so với kế hoạch và Ngân sách Nhà nước đã giao; sắp xếp lại một bước các ngành sản xuất, xây dựng và đời sống cho phù hợp với tình hình kinh tế; ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật phục vụ tiết kiệm, nhanh chóng đưa nền kinh tế vào nề nếp quản lý theo các chế độ, tiêu dùng, định mức, để sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn, vật tư, lương thực, lao động, góp phần đẩy mạnh sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống.

II

Nội dung tiết kiệm phải được thể hiện trên các mặt trọng tâm sau đây:

1. Tiết kiệm lương thực:

Tổ chức tốt công tác thu mua, bảo quản, bảo đảm chất lượng; giảm mạnh tỷ lệ hao hụt, mất mát trong khâu sản xuất và lưu thông; kiểm tra chặt chẽ việc phân phối sử dụng lương thực. Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép lương thực, nấu rượu lậu, nghiêm trị mọi hành vi tham ô, ăn cắp lương thực.

2. Tiết kiệm năng lượng, vật tư và nguyên liệu:

Bảo đảm việc sử dụng năng lượng vật tư, nguyên liệu đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện tiêu dùng theo tiêu chuẩn định mức (đặc biệt coi trọng những loại vật tư quan trọng, quý, hiếm như điện, than, xăng dầu, kim loại, hoá chất, gỗ, giấy, bông sợi, cao su...). Tìm cách thay thế dần những loại vật tư nhập khẩu bằng vật tư trong nước. Giảm đến mức thấp nhất tổn thất vật tư, thiết bị trong bảo quản và lưu thông. Tổ chức thu hồi và tận dụng các loại dư liệu, phế liệu, chất thải. Tích cực huy động vật tư ứ đọng và tồn kho quá mức (kể cả trong quân đội) đưa vào sản xuất, xây dựng.

3. Tiết kiệm ngoại tệ:

Tiến hành rà soát lại kế hoạch nhập khẩu và các khoản vay ngoại tệ của năm 1982, giảm nhập những thứ có thể thay thế bằng sản phẩm trong nước. Quản lý thống nhất kế hoạch xuất nhập khẩu và kế hoạch vay vốn nước ngoài, kể cả phần xuất nhập khẩu của địa phương. Tăng cường biện pháp thu ngoại tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu ngoại tệ, gắn kế hoạch vay vốn nước ngoài với kế hoạch xuất khẩu và trách nhiệm trả nợ.

4. Tiết kiệm trong xây dựng cơ bản:

Xem xét kỹ các chủ trương và soát xét lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1982, bố trí phù hợp với khả năng tiền vốn, vật tư, ... bảo đảm hiệu quả của vốn đầu tư. Thực hiện việc đăng ký danh mục các công trình dưới hạn ngạch; không cấp phát tiền vốn, vật tư cho những công trình ngoài danh mục đã đăng ký. Chú trọng sử dụng tiết kiệm vật liệu, tận dụng vật liệu trong nước, vật liệu có tại địa phương, bảo đảm chất lượng của công trình.

5. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách:

Soát xét mọi khoản thu và chi ngân sách năm 1982, tăng cường những biện pháp chống thất thu, bảo đảm chi tiêu hợp lý, có hiệu quả. Dựa vào khả năng cân đối của ngân sách, Nhà nước sẽ giao khoán định mức chi tiêu ngân sách trên một số lĩnh vực cho các ngành, các cấp. Các khoản chi lãng phí, nhất là liên hoan, quà biếu, phô trương hình thức không đúng chế độ sẽ không được thanh toán.

6. Tiết kiệm lao động:

Các ngành, các cấp, các cơ sở tiến hành cải tiến tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức lao động hợp lý, nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và sử dụng lao động có hiệu quả. Coi trọng việc tiết kiệm thời gian; xây dựng các quy định trách nhiệm cụ thể; tổ chức làm việc có chương trình và kế hoạch, bảo đảm hiệu suất công tác cao. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải quản lý chặt chẽ lao động và năng suất lao động, áp dụng thích hợp các hình thức và chế độ trả lương, chế độ tiền thưởng cho cá nhân và tập thể nhằm khuyến khích tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

7. Tiết kiệm trong tiêu dùng:

Xây dựng chính sách tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm trên phạm vi toàn xã hội. Các cơ quan Nhà nước phải tiết kiệm nghiêm ngặt trong mọi khoản chi tiêu. Giảm bớt hội họp, việc tổ chức hội nghị cần bảo đảm ngắn gọn, có kết quả; mọi tài liệu, công văn, sách, báo... phải xét duyệt kỹ về nội dung, số lượng cần phát hành, nơi cần gửi...; việc mua sắm sử dụng điện, nước, xăng, dầu, ô-tô... đều phải xem xét kỹ nhằm chống lãng phí.

Nghiên cứu và tổ chức sản xuất các mặt hàng tiêu dùng ít tốn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng và hợp với nhu cầu của nhân dân. Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở cần có biện pháp thu hồi phế liệu, phế phẩm, các loại bao bì còn dùng lại được. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang giản dị, tiết kiệm, chống phô trương, xa hoa lãng phí. Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung thể lệ gửi tiền tiết kiệm nhằm khuyến khích nhân dân tiết kiệm tiêu dùng.

Việc quản lý và sử dụng đất đai là một nội dung lớn, Nhà nước sẽ ban hành một luật riêng. Trước mắt, các cơ quan Nhà nước, tập thể và cá nhân sử dụng đất đai đều phải tuân theo các quy định hiện hành, sử dụng hợp lý và có hiệu quả đất đai theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, bảo vệ và không ngừng làm tăng độ màu mỡ cho đất đai.

III

Để đạt được yêu cầu thực hành tiết kiệm trên, cần thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Sắp xếp lại kinh tế:

Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở chủ động rà soát lại các hoạt động kinh tế - sự nghiệp của mình, chú trọng việc củng cố các cơ sở yếu kém, các mặt hoạt động xét thấy không có hiệu quả. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước bàn ngay với các ngành nội dung cụ thể việc sắp xếp lại kinh tế để trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ