Chỉ thị 360-CT năm 1991 về tiếp tục đổi mới chế độ làm việc của Hội đồng Bộ trưởng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 360-CT
Ngày ban hành 05/11/1991
Ngày có hiệu lực 20/11/1991
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 360-CT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

I. Trong những năm qua, Hội đồng Bộ trưởng đã nhiều lần cải tiến chế độ làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản lý và đã có một số tiến bộ. Tuy nhiên cách làm việc của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ trưởng hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, quản lý của cơ quan hành pháp cao nhất của Nhà nước:

Hội đồng Bộ trưởng chưa phát huy cao trí tuệ tập thể, chưa đầu tư thích đáng thời gian, công sức vào việc chuẩn bị, thảo luận để quyết định những vấn đề có tính chiến lược thuộc tầm quản lý vĩ mô, còn coi nhẹ việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng.

- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, một mặt chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo xây dựng các đề án lớn trình Hội đồng Bộ trưởng, chậm quyết định những vấn đề về cơ chế chính sách mang tính liên ngành, mặt khác còn trực tiếp giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình trong việc điều hành quản lý các lĩnh vực và ngành phụ trách, chưa chủ động phối hợp với các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khi giải quyết những vấn đề có liên quan với các cơ quan nói trên, vẫn còn chuyển lên đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết nhiều việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vẫn còn chỉ đạo quá sâu vào việc giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới, của các đơn vị sản xuất kinh doanh.

- Chế độ làm việc và quan hệ công tác giữa Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và giữa Chủ tịch, các Phó chủ tịch với các Bộ trưởng tuy đã được quy định trong Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng nhưng chưa được cụ thể hoá rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, trách nhiệm của tập thể Hội đồng Bộ trưởng và của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trên thực tế, đã trở thành một cấp quyết định. Trong một số trường hợp, Thường vụ đã quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền Hội đồng Bộ trưởng.

- Hội đồng Bộ trưởng chưa bàn kỹ chương trình công tác năm và 6 tháng. Việc thực hiện chương trình đã ấn định chưa được nghiêm túc, không bảo đảm đúng tiến độ. Quy trình chuẩn bị các đề án trình ra Hội đồng Bộ trưởng đã có tiến bộ, nhưng nói chung chất lượng còn thấp; nhiều đề án quan trọng và phức tạp chưa tập trung tốt trí tuệ của các chuyên gia, chưa có sự phối hợp liên ngành, do đó có một số đề án còn phải bàn nhiều lần, tốn thời gian, công sức dẫn đến việc chậm ban hành các văn bản. Trong các phiên họp Hội đồng Bộ trưởng, một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng nói dài, chưa tập trung vào những vấn đề cần thảo luận để quyết định, do đó hiệu quả các phiên họp chưa cao.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo và kiểm tra không chặt chẽ hoạt động của Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, không nắm chắc và kịp thời tình hình các địa phương, nhất là tình hình thực hiện các Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Chậm phát hiện và không kiên quyết xử lý một số trường hợp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành một số văn bản trái với Pháp luật, trái với các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng.

- Chế độ kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình chưa được Hội đồng Bộ trưởng, các thành viên Hội đồng Bộ trưởng thực hiện nghiêm túc, do vậy những thiếu sót, nhược điểm trong sự chỉ đạo và cách làm việc chưa được khắc phục kịp thời.

Nguyên nhân chính của tình hình trên là:

- Trong Hội đồng Bộ trưởng, về nhận thức và quan điểm về công tác quản lý hành chính Nhà nước còn chưa đầy đủ và thống nhất; ý thức và trách nhiệm đối với tập thể Hội đồng Bộ trưởng chưa cao; việc thực hiện quy chế làm việc của Hội đồng Bộ trưởng chưa nghiêm túc; việc kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm không thường xuyên và kịp thời.

- Nội dung Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng và quy chế làm việc của Hội đồng Bộ trưởng còn nhiều điểm không phù hợp với đường lối đổi mới, với cơ chế quản lý mới, với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội.

II. Việc sửa đổi một cách cơ bản chế độ làm việc của Hội đồng Bộ trưởng sẽ thực hiện sau khi có Hiến pháp sửa đổi, và Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng mới.

Trước mắt, theo tinh thần của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VII, theo Hiến pháp sửa đổi, và để đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn của tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm quy định rõ thêm trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ trưởng để nâng cao một bước chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng; Hội đồng Bộ trưởng quy định một số điểm cụ thể đổi mới về chế độ làm việc của Hội đồng Bộ trưởng như sau:

1. Tập thể Hội đồng Bộ trưởng.

a) Tập thể Hội đồng Bộ trưởng thảo luận và thông qua những loại vấn đề chính:

- Chương trình công tác hàng năm của Hội đồng Bộ trưởng.

- Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách Nhà nước; xử lý những cân đối lớn chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

- Cơ chế, chính sách lớn và quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

- Chuẩn bị các dự án Luật, Pháp lệnh.

- Quyết định những vấn đề lớn về bộ máy tổ chức thuộc hệ thống chính quyền.

Một số vấn đề (kể cả một số dự luật và pháp lệnh) cần có ý kiến của các thành viên Hội đồng Bộ trưởng trước khi quyết định, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có thể gửi văn bản lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Bộ trưởng thay thế cho tổ chức họp Hội đồng Bộ trưởng.

b) Nâng cao chất lượng các phiên họp Hội đồng Bộ trưởng.

- Chương trình công tác hàng năm của Hội đồng Bộ trưởng được tổng hợp từ kiến nghị của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, do tập thể Hội đồng Bộ trưởng thông qua và bảo đảm thực hiện theo chương trình làm việc đã định. Mỗi thành viên Hội đồng bộ trưởng cần bố trí chương trình công tác của Bộ, ngành mình phù hợp với chương trình chung của Hội đồng Bộ trưởng. Cuối năm phải kiểm điểm, đánh giá một cách nghiêm túc việc thực hiện chương trình công tác của Hội đồng Bộ trưởng.

Căn cứ vào chương trình công tác chung của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trao đổi ý kiến để quyết định chương trình công tác hàng tháng của Hội đông Bộ trưởng, chương tình công tác hàng tuần của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và thông báo sớm đến các thành viên Hội đồng Bộ trưởng.

- Các thành viên Hội đồng Bộ trưởng thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình, chuẩn bị tốt đề án được phân công, thảo luận và thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền Hội đồng Bộ trưởng:

Trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo các đề án đưa ra Hội đồng Bộ trưởng (nếu là chủ đề án), bảo đảm đề án có chất lượng cao và đúng quy trình, thủ tục đã quy định. Đối với những đề án có liên quan đến nhiều Bộ, ngành và địa phương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có thể lập tiểu ban nghiên cứu dự án gồm đại diện các Bộ có liên quan, phân công một Bộ trưởng chủ trì soạn thảo đề án.

[...]