Chỉ thị 343-TTg năm 1978 về xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 343-TTg
Ngày ban hành 24/06/1978
Ngày có hiệu lực 24/06/1978
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 343-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1978 

 

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1979

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 212-TTg ngày 15-5-1977 về việc xây dựng kế hoạch Nhà nước trong 5 năm (1976-1980). Trong việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979, các ngành và địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh các tư tưởng chỉ đạo, nội dung và phương pháp lập kế hoạch theo Chỉ thị trên.

Để việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979 phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các ngành và địa phương một số điểm sau đây.

I. TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1979

1. Phải ra sức phấn đấu theo phương hướng và mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1976 – 1980) do Đại học IV vạch ra và được cụ thể hóa thêm trong các nghị quyết hội nghị trung ương Đảng lần thứ hai và thứ ba, đồng thời phải tính đến những yêu cầu do tình hình mới đặt ra. Kế hoạch năm 1979 vừa phải thực hiện một phần quan trọng các mục tiêu của kế hoạch 5 năm, vừa phải tăng cường khả năng quốc phòng theo yêu cầu của tình hình mới và chuẩn bị tốt cho năm 1980. Nhiệm vụ xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với yêu cầu tăng cường lực lượng quốc phòng, củng cố vùng biên giới, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Trong các nhiệm vụ kinh tế, cần nắm vững việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và tăng nhanh xuất khẩu, là những nhiệm vụ trọng tâm và hết sức cấp bách của kế hoạch Nhà nước năm 1979, cần phải tập trung sức để thực hiện. Tình hình mới càng đòi hỏi phải giải quyết tốt hơn vấn đề đời sống và xuất khẩu.

2. Phải ra sức khai thác, tận dụng và phát huy tiềm lực của nền kinh tế, đặc biệt là phát huy thế mạnh về sức lao động, đất, rừng, biển và sử dụng tốt thiết bị, vật tư hiện có trong nước để đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, bảo đảm đời sống và tăng cường khả năng quốc phòng.

Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cơ sở phải nắm đầy đủ và cụ thể mọi khả năng của mình, đánh giá mức độ và hiệu quả sử dụng hiện nay, từ đó mà đề ra kế hoạch biện pháp khai thác, sử dụng trong thời gian tới. Khi nêu ra yêu cầu xây dựng thêm, nhập khẩu thêm, trang bị thêm cái mới, phải xem xét kỹ lưỡng khả năng hiện có, kiên quyết đấu tranh với tình trạng đòi hỏi cái mới trong khi cái đã có lại để lãng phí, sử dụng ở mức rất thấp.

3. Phải hết sức chú trọng hiệu quả kinh tế trong mọi hoạt động của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Kế hoạch phải được tính toán chặt chẽ theo các tiêu chuẩn, định mức gắn các chỉ tiêu số lượng với chỉ tiêu chất lượng như năng suất lao động, giá thành, hiệu suất sử dụng thiết bị, hiệu quả và thời gian hoàn thành công trình xây dựng, thời gian thu hồi vốn đầu tư, chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu về thu hồi và sử dụng phế liệu, phế phẩm…

4. Kế hoạch phải thể hiện tinh thần cách mạng tiến công đồng thời phải hiện thực. Các ngành, các cấp, đặc biệt là các đơn vị cơ sở phải đề cao quyền làm chủ tập thể của quần chúng, đẩy mạnh công tác động viên chính trị trong tình hình mới, phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật trong các ngành kinh tế để tạo nên những bước tiến mạnh mẽ về tăng năng suất lao động, tìm vật tư trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu, làm ra nhiều mặt hàng mới phù hợp với yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời nhanh chóng nâng cao năng lực xuất khẩu, qua đó mà nhập khẩu thêm những vật tư thiết bị trong nước chưa sản xuất được.

Mặt khác, kế hoạch phải hiện thực, phải tính toán chặt chẽ các điều kiện vật chất, bảo đảm cân đối đồng bộ, bảo đảm phân công và phối hợp mọi tổ chức có liên quan đến việc sản xuất ra một sản phẩm nhất định; cố gắng đến mức cao nhất phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đồng thời chủ động hạn chế những nhu cầu mà nền kinh tế chưa có khả năng đáp ứng, chủ động chuyển hướng sản xuất khi biết trước không bảo đảm nổi những vật tư cần thiết, tránh tình trạng bị động và thụ động ngồi chờ vật tư.

5. Việc xây dựng kế hoạch phải cân đối chặt chẽ và gắn chặt các khâu sản xuất với lưu thông, phân phối và tiêu dùng, đặc biệt coi trọng chỉ tiêu thu mua, giao nộp sản phẩm cho Nhà nước, coi đó là pháp lệnh của Nhà nước, là một tiêu chuẩn của phong trào thi đua.

6. Phải thực hiện nghiêm chỉnh việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, nâng cao trách nhiệm và quyền chủ động của các ngành, các địa phương và cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1979

Nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch của từng ngành, của các tỉnh, thành phố và đơn vị cơ sở đã nêu rõ trong Chỉ thị số 212-TTg ngày 15-5-1977. Trong việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch, một mặt phải thể hiện đầy đủ các yêu cầu đó, mặt khác phải dồn sức cả nước làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch Nhà nước năm 1979 là đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, ra sức phát triển hàng tiêu dùng, tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu và tăng cường khả năng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Từ nay đến khi tổng hợp kế hoạch, cần khẩn trương triển khai các công tác về chấn chỉnh, cải tiến công tác chỉ đạo, quản lý kinh tế và đổi mới công tác kế hoạch hóa theo tinh thần của nghị quyết hội nghị lần thứ ba của trung ương Đảng và nghị quyết số 37-CP của Hội đồng Chính phủ nhằm thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1978, xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1979.

1. Cải tiến công tác kế hoạch hóa

Giải quyết vấn đề kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ. Năm nay sẽ không xét duyệt kế hoạch của tỉnh, thành phố trước khi ty, sở bảo vệ kế hoạch với Bộ chủ quản, nhất là về đầu tư xây dựng cơ bản và vật tư do trung ương cấp cho địa phương. Mặt khác, các xí nghiệp trung ương phải báo cáo kế hoạch của mình cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổng hợp thành kế hoạch của địa phương có kèm theo những yêu cầu về cung ứng vật tư, điều phối và tuyển dụng lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ đời sống, v.v… do địa phương đảm nhận.

Sửa đổi và ban hành hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu nhằm thể hiện yêu cầu đổi mới công tác kế hoạch, kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ, thể hiện yêu cầu kế hoạch hóa và quản lý kinh tế ở hai miền Nam – Bắc hiện nay.

Trên cơ sở soát xét lại các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cần xây dựng tốt các chỉ tiêu về mặt chất lượng như năng suất lao động, giảm tiêu hao vật tư kỹ thuật, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị máy móc, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Cải tiến và kiện toàn công tác kế hoạch ở các cấp. Tăng cường công tác kế hoạch cấp huyện, tổ chức tốt công tác xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên.

2. Những vấn đề cần tập trung nghiên cứu để cải tiến công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế

Về nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp chủ trì cùng với các ngành và các địa phương có liên quan nghiên cứu các biện pháp cụ thể chỉ đạo thâm canh trên toàn bộ diện tích lúa hiện có, khả năng mở rộng diện tích trồng các cây lương thực; đặc biệt phải có phương án cụ thể chỉ đạo vùng lúa thâm canh cao sản đạt 8 – 10 tấn/ha ở vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; các biện pháp đẩy mạnh sản xuất màu, tổ chức chế biến, thu mua và phân phối màu; các vấn đề về tổ chức sản xuất, thu mua bảo đảm nguyên liệu nông sản cho các xí nghiệp công nghiệp và nông sản cho xuất khẩu.

Về công nghiệp, Bộ Công nghiệp nhẹ chủ trì cùng với Liên hiệp xã trung ương và các ngành, các địa phương có liên quan nghiên cứu các vấn đề về đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là về tổ chức chỉ đạo và quản lý đối với khu vực tiểu thủ công nghiệp (bao gồm việc khai thác nguồn nguyên liệu trong nước, tận dụng phế liệu phế phẩm, tổ chức quản lý và chỉ đạo, các vấn đề chính sách khuyến khích sản xuất hàng tiêu dùng…). Bộ Công nghiệp nhẹ cùng với Bộ Nội thương, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan hoàn thành sớm việc lập danh mục chi tiết sản phẩm hàng công nghiệp tiêu dùng, không bỏ sót từ những cái nhỏ, cùng với các ngành và các địa phương bàn việc phân công, tổ chức sản xuất và bảo đảm cung cấp cho nhân dân, không để thiếu những cái không đáng thiếu.

Bộ Cơ khí và luyện kim chủ trì phối hợp với các ngành xác định cụ thể nhu cầu từng loại phụ tùng (ô tô, máy kéo, máy đi-ê-den, máy móc công nghiệp, v.v…), khả năng sản xuất, tổ chức phân công sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu của các ngành và giảm dần nhập khẩu. Xác định nhu cầu và tổ chức sản xuất các loại công cụ, máy móc đơn giản phục vụ chế biến màu, nghiên cứu tự sản xuất các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng của các ngành.

Bộ Điện và than cùng các ngành, các địa phương xác định nhu cầu tiêu dùng điện của từng ngành và từng vùng lãnh thổ, có biện pháp bổ sung nguồn điện, thực hành các chế độ quản lý và tiết kiệm điện.

Về giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt các biện pháp, nhằm tăng nhanh khả năng bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu ở khu vực Hải Phòng; vận chuyển gỗ từ miền Nam ra Bắc, vận chuyển apatít, đưa cá từ một số tỉnh miền Nam ra Bắc…

Về xuất khẩu, Bộ Ngoại thương chủ trì cùng các ngành và địa phương tổ chức các nhóm nghiên cứu các chuyên đề về tổ chức xuất khẩu đối với từng mặt hàng chủ yếu về nông sản, hải sản, lâm sản…; chú ý các biện pháp cụ thể về quy hoạch, tổ chức sản xuất, cung cấp nguyên liệu, cung cấp lương thực, thu mua, chế biến, trang bị để nâng cao năng lực sản xuất, vận chuyển hàng xuất khẩu. Ngành ngoại thương cần có các nhóm nắm thị trường xuất khẩu ngoài nước.

Về vật tư, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ ban hành bảng phân công lập, duyệt và cung ứng các loại vật tư.

[...]