Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 192-CT năm 1988 đẩy mạnh thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1988 và xây dựng kế hoạch nhà nước năm 1989 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 192-CT
Ngày ban hành 21/06/1988
Ngày có hiệu lực 06/07/1988
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 192-CT

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1988 VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1989.  

I. VỀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1988

Trong những tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn nhất là trên lĩnh vực phân phối lưu thông. Tuy các ngành, các địa phương và cơ sở đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nhưng do mất cân đối gay gắt về lương thực, ngoại tệ, ngân sách, mặt khác do công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều thiếu sót, kỷ cương không nghiêm và việc ban hành kế hoạch chính thức chậm,... nên việc thực hiện kế hoạch Nhà nước đạt mức thấp.

Để thúc đẩy thực kế hoạch Nhà nước năm 1988, nhằm trong hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu đạt cho được những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch, nhất là sản xuất lương thực, các ngành, các địa phương phải khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về chống lạm phát và kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị về ngân sách năm 1988, tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách sau đây:

- Về lương thực. Thu hoạch nhanh gọn vụ đông xuân ở miền Bắc và hè thu ở miền Nam, đẩy mạnh thu thuế nông nghiệp, mua theo hợp đồng kinh tế và mua theo giá thoả thuận một cách kịp thời; bảo đảm các điều kiện vật chất cho sản xuất vụ mùa và chuẩn bị cho vụ đông xuân 1988-1989.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm phối hợp với Bộ Kinh tế đối ngoại và Bộ Giao thông vận tải đưa hết về nước số phân đạm còn lại của kế hoạch năm 1988 (gồm cả số bổ sung), bàn với Liên Xô ứng trước phân đạm của kế hoạch 1989 cho vụ đông xuân tới. Phải tăng cường kiểm tra công tác cung ứng phân bón để tránh thất thoát, cung ứng đúng mục tiêu kế hoạch và đúng thời vụ của từng vùng.

Bộ Kinh tế đối ngoại và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xúc tiến việc ký kết hợp đồng và điều về ngay các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ.

Các Bộ Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Năng lượng phối hợp chặt chẽ để điều hành máy bơm xăng dầu, điện cho việc chống úng, hạn, nhất là có kế hoạch chu đáo về chống bão, lụt trong những tháng tới.

- Về sản xuất hàng tiêu dùng.

Bộ Vật tư và các Bộ làm nhiệm vụ cung ứng vật tư có trách nhiệm cấp bù số vật tư còn thiếu trong những tháng đầu năm, tổ chức tốt việc điều hàng từ Đông —u về để kịp thời phục vụ sản xuất.

Bộ Kinh tế đối ngoại cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Ngoại thương bảo đảm bằng được nhu cầu ngoại tệ của kế hoạch sản xuất hàng tiêu dùng.

Dựa theo chỉ tiêu sản xuất đã giao, các Bộ, các địa phương chỉ đạo chặt chẽ các cơ sở sản xuất giao đủ sản phẩm cho ngành Thương nghiệp theo giá quy định, và ngành Thương nghiệp phải kịp thời bán ra. Triệt để cấm việc "găm hàng chờ giá" hoặc "giữ hàng lại để phân phối nội bộ".

- Về xuất khẩu.

Tất cả các ngành, các địa phương phải dồn lực lượng hàng hoá để bảo đảm nghĩa vụ đã cam kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, các cơ sở quốc doanh phải giao nộp đủ hàng xuất khẩu theo chỉ tiêu kế hoạch; đối với sản phẩm xuất khẩu thuộc khu vực kinh tế tập thể, cá thể, Nhà nước bảo đảm cân đối đủ vật tư, hàng hoá và tiền mặt cho thu mua. Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật giá, loại trừ việc nâng giá để tranh mua hàng xuất khẩu đẩy giá lên, Bộ Kinh tế đối ngoại xem xét chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu theo tinh thần Chỉ thị số 182-CT ngày 14-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cấp bách trong công tác xuất nhập khẩu.

- Về xây dựng cơ bản.

Do có khó khăn về ngân sách, vốn đầu tư buộc phải bị cắt giảm, không bảo đảm được như kế hoạch đầu năm. Sau khi xác định rõ ngân sách Nhà nước năm 1988, và tổ chức tốt đợt kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 191-CT ngày 21-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước bàn với các Bộ, các địa phương bố trí lại vốn đầu tư, tập trung cho các công trình trọng điểm Nhà nước, sắp xếp lại công trình theo khả năng vốn đầu tư, nói chung không khởi công công trình mới, xác định rõ các công trình đình hoãn, có biện pháp cụ thể tổ chức chu đáo công tác bảo vệ, bảo quản vật tư, thiết bị, không để mất mát hư hỏng.

- Triệt để thực hành tiết kiệm và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các Bộ, Tổng cục và các địa phương chỉ đạo chặt chẽ việc đổi mới công tác quản lý của từng cơ sở, nhằm giảm mức tiêu hao vật tư, năng lượng, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành. Ngành vật tư bảo đảm cung ứng vật tư kịp thời cho sản xuất, tránh đi vòng vèo, mất mát, đúng giá quy định của Nhà nước, loại trừ mọi "chi phí tiêu cực". Đặc biệt, phải bằng mọi biện pháp và hình thức, huy động hết vật tư tồn kho phục vụ sản xuất.

II. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1989

Những khó khăn và mất cân đối hiện nay về lương thực, ngoại tệ, ngân sách... sẽ để lại cho kế hoạch năm 1989 nhiều hậu quả và nhiệm vụ nặng nề.

Kế hoạch Nhà nước năm 1989 phải quán triệt những phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của 3 năm 1988-1990 mà Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương đã xác định, phải thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về chống lạm phát và kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị về ngân sách Nhà nước.

Trong việc xây dựng kế hoạch, phải đặc biệt chú trọng các vấn đề lớn sau đây:

Ưu tiên các điều kiện vật chất cho những mục tiêu kinh tế chủ yếu, trước hết là sản xuất lương thực; kiên quyết tránh phân tán, dàn đều; rà soát kỹ các định mức kinh tế - kỹ thuật.

Gắn kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị, hình thành những cân đối tổng hợp của kinh tế vĩ mô cũng như của từng ngành, từng cấp, từng sản phẩm.

Lấy năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất, kinh doanh làm thước đo để xây dựng các phương án kế hoạch. Kiên quyết sắp xếp lại sản xuất theo hướng tập trung hơn nữa vào các mục tiêu thiết yếu, nhất là những việc đem lại hiệu quả kinh tế nhanh nhất. Vật tư, hàng hoá Nhà nước bán ra, phải mua về đủ sản phẩm (theo hợp đồng kinh tế) và thu về đủ giá trị.

Việc xây dựng kế hoạch năm 1989 phải gắn liền với việc thực hiện 3 chương trình kinh tế, bảo đảm cho mỗi chương trình kinh tế phải được cân đối đồng bộ các điều kiện thực hiện trong kế hoạch.

Khả năng cân đối vật tư, tiền vốn, ngoại tệ ... của Nhà nước còn nhiều hạn chế, phải phát huy tiềm lực của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở cùng Nhà nước tìm mọi biện pháp xử lý bằng được những cân đối chủ yếu, những mục tiêu không thể lùi của kế hoạch.

[...]