Chỉ thị 34-CT năm 1974 về phát triển giáo dục phổ thông cấp III trong thời gian tới do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 34-CT
Ngày ban hành 09/09/1974
Ngày có hiệu lực 24/09/1974
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34-CT

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CẤP III TRONG THỜI GIAN TỚI

I

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục phổ thông cấp III đã không ngừng phảt triển với tốc độ nhanh và trên quy mô lớn.

Từ năm học 1955-1956 đến năm học 1973-1974, số học sinh phổ thông cấp III đã tăng 44 lần (cấp I tăng 4,9 lần, cấp II tăng 26 lần) với hơn 25 vạn học sinh và 382 trường.

Ngày nay, mạng lưới các trường phổ thông cấp III đã trải rộng khắp các huyện, từ miền xuôi đến miền núi; bình quân, mỗi huyện hoặc đơn vị tương đương huyện có 1,27 trường phổ thông cấp III.

Với sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng phấn đấu bảo đảm chất lượng giáo dục ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, sự nghiệp giáo dục phổ thông cấp III, trên cơ sở kết quả phát triển giáo dục phổ thông cấp I và cấp II, đã góp phần tích cực vào công tác đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ tỷ lệ tuyển sinh đại học 1/1 đến nay đã nâng lên 1/6) và cung cấp những thanh niên được học tập, rèn luyện theo phương hướng giáo dục toàn diện phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Ngoài ra, sự phát triển giáo dục phổ thông cấp III trong những năm qua còn góp phần nâng cao trình độ văn hóa chung của nhân dân nước ta, tạo điều kiện thuận lợi để con em các dân tộc ít người và nhân dân lao động cũng như các nữ thanh niên được học tập góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội ở miền Bắc và giảm dần từng bước sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi, lao động trí óc và chân tay, nam và nữ, đồng thời tăng thêm tiềm lực cho xã hội, chuẩn bị cơ sở để tiến lên thời kỳ cách mạng mới.

Sự nghiệp phát triển giáo dục phổ thông cấp III ở miền Bắc nước ta trong thời gian qua tốt đẹp như vậy, song không tránh khỏi những nhược điểm, thiếu sót và hạn chế do những khó khăn của chiến tranh và hoàn cảnh kinh tế của nghèo gây ra. Điều đáng lo ngại hơn cả là tỉnh trạng mất cân đối nghiêm trọng hiện nay giữa số lượng và chất lượng giáo dục phổ thông cấp III, cụ thể là giữa yêu cầu giáo dục ngày một cao với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn về số lượng và non kém về trình độ.

Tình hình đó, ngoài nguyên nhân khách quan đã nói trên, còn có những nguyên nhân chủ quan như: chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông cấp III; công tác xây dựng và quản lý kế hoạch chưa tốt.

Nói chung, việc phát triển phổ thông cấp III rất mạnh, nhưng ít chú ý củng cố nên chất lượng giáo dục còn kém, số học sinh bỏ học, lưu ban, không tốt nghiệp còn nhiều; riêng ở miền núi, việc phát triển còn rất chậm nên chẳng những chất lượng giáo dục ở khu vực này còn kém mà số lượng cũng còn quá ít ỏi, trường lớp quá phân tán, khó có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cán bộ phục vụ đắc lực hơn nữa nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới theo tinh thần nghị quyết 22 của ban chấp hành trung ương Đảng lao động Việt-nam, để phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm, thiếu sót trong việc phát triển giáo dục phổ thông cấp III như trên đã kiểm điểm, trong thời gian tới, cần phải nhận thức đúng đắn vị trí rất quan trọng của giáo dục phổ thông cấp III là cấp học hoàn thành việc giáo dục thanh niên ở trình độ phổ thông, có nhiệm vụ phục vụ trực tiếp sự nghiệp đào tạo cán bộ cho mọi lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, đồng thời góp một phần hết sức tích cực và cơ bản lâu dài đối với sự nghiệp nâng cao trình độ văn hóa khoa học phổ cập cho nhân dân nước ta.

Trên cơ sở nhận thức đó, phải tích cực phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông cấp III bằng nhiều hình thức (nhất là đối với miền núi) nhưng phải vững chắc, cân đối, bảo đảm đầy đủ các điều kiện chất lượng tối thiểu về giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị theo đúng quy chế mở trường, chống lối mở trường tùy tiện.

Ngoài hình thức trường phổ thông đã có, cần coi trọng rút kinh nghiệm phát triển thêm trường vừa học vừa làm là loại trường hiện còn ít.

Đi đôi với việc phát triển, cần phải hết sức chủ trọng củng cố trường lớp về mọi mặt, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện và trên cơ sở đó, phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh giỏi; đồng thời hạ đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban và không tốt nghiệp.

II

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông cấp III nói trên, từ năm học 1974-1975, cần thực hiện một số quy định và biện pháp như sau:

1. Phải thực hiện đúng quy chế mở trường phổ thông cấp III:

Kể từ năm học 1974-1975, các địa phương muốn mở trường phổ thông cấp III cần phải có quyết định của Bộ Giáo dục.

Các khu, tỉnh, thành muốn mở trường phổ thông cấp III phải đăng ký mở trường với Bộ 18 tháng trướng ngày khai trường. Bộ sẽ trả lời chậm nhất là 6 tháng sau khi các địa phương đề nghị mở trường.

Muốn được Bộ quyết định cho phép mở trường, cần phải thảo mãn các điều kiện tối thiểu sau đây:

a) Phải bảo đảm quy mô cần thiết và thích hợp của nhà trường phổ thông cấp III.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và sử dụng hợp lý, tiết kiệm giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị…từ nay bỏ hình thức phân hiệu và không tổ chức các trường có quá ít lớp; tạm thời phải tổ chức mỗi nhà trường phổ thông cấp III theo quy mô định như sau:

Ở thành phố  (nội thành) và thị xã: từ 25 lớp trở lên:

Ở nông thôn vùng đồng bằng: từ 15 lớp trở lên:

Ở miền núi:

- vùng cao hoặc xa xôi, hẻo lánh: từ 5 lớp trở lên.

- vùng thấp: từ 12 lớp trở lên

Các trường ở miền núi cần có nội trú như thông tư liên hệ số 30-TT-LB quy định. Những địa phương có điều kiện đông đảo, nhiều học sinh, nếu có thể, nêu tổ chức trường có quy mô lớn hơn như miền xuôi.

[...]