Chỉ thị 27/2007/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ bản do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 27/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 21/08/2007
Ngày có hiệu lực 31/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 27/2007/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 21 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Thực hiện quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, các sở ban ngành, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan của tỉnh đã quán triệt và thực hiện đúng theo các quy định mới ban hành nhằm quản lý và đầu tư có hiệu quả các dự án.

Để tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các sở ban ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện những yêu cầu sau:

1. Phân cấp trong đầu tư xây dựng:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện được quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách địa phương có mức vốn đầu tư không lớn hơn 05 tỷ đồng.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã được quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách địa phương có mức vốn đầu tư không lớn hơn 03 tỷ đồng.

2. Chuẩn bị đầu tư:

Việc đầu tư xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn xã hội và an toàn môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Quy mô đầu tư phải phù hợp với quy phạm kỹ thuật của ngành, lĩnh vực đầu tư. Các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm trả lời cụ thể bằng văn bản cho các chủ đầu tư về các kiến nghị, góp ý có liên quan đến chuyên môn do sở phụ trách.

Đối với dự án có thanh lý công trình hiện hữu, chủ đầu tư phải có báo cáo rõ ngay từ lúc xin chủ trương đầu tư. Chấm dứt trường hợp sau khi dự án được duyệt mới xin chủ trương thanh lý. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

3. Lựa chọn tư vấn thực hiện đầu tư:

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án, cấp công trình theo quy định của Nhà nước.

Đối với gói thầu tư vấn được phép chỉ định thầu: Chủ đầu tư ra quyết định chỉ định thầu tư vấn và chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc lựa chọn tư vấn không đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc.

Trường hợp giá trị gói thầu tư vấn thiết kế bước bản vẽ thi công theo quy định phải đấu thầu, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đấu thầu tư vấn thiết kế ngay từ bước lập dự án đầu tư; trường hợp cần thiết phải chỉ định thầu bước lập dự án thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư quyết định.

Vốn chuẩn bị đầu tư là cơ sở để thực hiện lựa chọn tư vấn. Vốn chuẩn bị đầu tư phải được lập và phê duyệt trước khi thực hiện lựa chọn tư vấn thiết kế.

4. Khảo sát - thiết kế:

Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Xây dựng tại Chỉ thị số 12/2006/CT-BXD ngày 11/9/2006 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng.

Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế chú trọng đặc biệt công tác khảo sát địa chất,

địa chất thủy văn công trình và thực hiện đúng nhiệm vụ giám sát tác giả. Công tác nghiệm thu hồ sơ khảo sát thiết kế không chỉ thực hiện trên hồ sơ hoàn thành mà phải được kết hợp kiểm tra, nghiệm thu chi tiết trên hiện trường để đảm bảo tính chính xác và khả thi của hồ sơ.

Công tác thiết kế đảm bảo đúng quy trình – quy phạm của ngành, thực hiện đúng nhiệm vụ thiết kế, bảo đảm tiến độ và chất lượng; đồng thời phát hiện và thông báo kịp thời cho chủ đầu tư xây dựng công trình về việc thi công sai với thiết kế được duyệt của nhà thầu thi công xây dựng công trình và kiến nghị biện pháp xử lý.

Đối với các công việc phát sinh, điều chỉnh thiết kế do lỗi của tư vấn gây ra, tư vấn có trách nhiệm lập hồ sơ phát sinh điều chỉnh và không được tính thêm bất kỳ chi phí nào thuộc công tác tư vấn thiết kế. Đối với các hoạt động tư vấn khác cũng áp dụng tương tự.

5. Giải phóng mặt bằng:

Sau khi dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa.

Khi dự án đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng tối thiểu được 70% thì chủ đầu tư mới được phép triển khai tổ chức đấu thầu thi công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các bước triển khai dự án theo đúng tinh thần này. Cơ quan thẩm định hồ sơ mời thầu có trách nhiệm kiểm tra trước khi trình phê duyệt. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư.

6. Thẩm định, thẩm tra hồ sơ xây dựng:

Hồ sơ do Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt: Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Các sở quản lý chuyên ngành (Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bưu chính Viễn thông,…) là đầu mối thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật; trường hợp công trình chưa xác định rõ đơn vị đầu mối thì Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định.

[...]