Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 04/2006/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ bản do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 04/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 27/02/2006
Ngày có hiệu lực 09/03/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Văn Lợi
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 27 tháng 02 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN.

Trong năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các Thông tư hướng dẫn, Quyết định của các Bộ ngành liên quan đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý đầu tư và xây dựng của cả nước. Quán triệt và thực hiện đúng theo các quy định mới ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã nỗ lực để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các kết quả đạt được trong 2005, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Công tác chuẩn bị đầu tư:

Việc đầu tư xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn xã hội và an toàn môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đơn vị đề xuất chủ trương phải có văn bản thỏa thuận với các sở, ngành chuyên môn về quy mô đầu tư.

Đối với các dự án cần phải thanh lý công trình hiện hữu, yêu cầu chủ đầu tư phải có báo cáo rõ ngay từ lúc xin chủ trương đầu tư. Không chấp thuận trường hợp sau khi dự án được duyệt mới xin chủ trương thanh lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thẩm định dự án đầu tư.

Hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng khi dự án đã duyệt, các chủ đầu tư đề nghị bổ sung thêm một số hạng mục, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô ban đầu của dự án. Trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh, yêu cầu phải giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức – cá nhân có liên quan.

2. Công tác lựa chọn tư vấn thực hiện đầu tư:

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án, cấp công trình theo quy định của Nhà nước.

Chủ đầu tư căn cứ vào các điều kiện năng lực được quy định để lựa chọn tư vấn và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về những thiệt hại do việc lựa chọn tư vấn không đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc. Các Sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thực hiện việc chỉ định thầu và đấu thầu tư vấn theo đúng quy định. Đối với các công trình phải thực hiện bước lập dự án đầu tư và bước thiết kế - dự toán, nếu giá trị gói thầu tư vấn thiết kế theo quy định phải đấu thầu, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đấu thầu tư vấn thiết kế ngay từ bước lập dự án đầu tư.

Việc trình duyệt vốn chuẩn bị đầu tư là cơ sở để thực hiện lựa chọn tư vấn, chủ đầu tư phải lập và trình duyệt trước khi thực hiện tư vấn thiết kế. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Công tác khảo sát thiết kế:

Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế chú trọng đặc biệt công tác khảo sát địa chất, địa chất thủy văn công trình và thực hiện đúng nhiệm vụ giám sát tác giả. Công tác nghiệm thu hồ sơ khảo sát thiết kế không chỉ thực hiện trên hồ sơ hoàn thành mà phải được kết hợp kiểm tra, nghiệm thu chi tiết trên hiện trường để đảm bảo tính chính xác và khả thi của hồ sơ.

Đối với các công việc phát sinh, điều chỉnh thiết kế do lỗi của tư vấn gây ra, tư vấn có trách nhiệm lập hồ sơ phát sinh điều chỉnh và không được tính thêm bất kỳ chi phí nào thuộc công tác tư vấn thiết kế. Đối với các hoạt động tư vấn khác cũng áp dụng tương tự.

4. Công tác giải phóng mặt bằng:

Sau khi dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng; chú trọng phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa và đảm bảo tiến độ thi công.

5. Công tác thẩm định, thẩm tra hồ sơ xây dựng:

Việc tổ chức thẩm định của các Sở quản lý chuyên ngành và việc thẩm tra của các tổ chức tư vấn phải đúng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan. Thời gian thẩm định, thẩm tra không kéo dài quá thời gian quy định.

Các báo cáo thẩm định, thẩm tra được lập theo đúng mẫu. Kết luận của báo cáo rõ ràng, cụ thể (đủ hay không đủ điều kiện để trình duyệt).

Chủ đầu tư khi thuê các tổ chức tư vấn thẩm tra phải chịu trách nhiệm về điều kiện năng lực của tư vấn. Đơn vị thẩm định, thẩm tra chịu trách nhiệm theo quy định của Luật xây dựng đối với các báo cáo thẩm định, thẩm tra của đơn vị.

6. Công tác đấu thầu và chỉ định thầu thi công:

Chủ đầu tư thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện công tác đấu xét thầu theo đúng các quy định của Nhà nước về đấu thầu.

Việc thông báo mời thầu phải đảm bảo 3 kỳ liên tục. Khi đăng thông tin mời thầu trên báo, thông báo mời thầu buộc phải có đăng trên một báo phát hành rộng rãi trong cả nước (Báo Sài gòn Giải phóng, Lao động, Thanh niên,….). Riêng các gói thầu có quy mô nhỏ (giá trị xây lắp dưới 2 tỷ đồng), chủ đầu tư được phép chỉ đăng thông báo mời thầu trên báo địa phương. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu phải kéo dài tối thiểu là 7 ngày.

Các gói thầu theo quy định được phép chỉ định thầu, yêu cầu lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực và ưu tiên chọn nhà thầu chấp thuận tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước ít nhất là 5% trên giá trị xây lắp được quyết toán.

7. Công tác tổ chức thi công xây dựng và nghiệm thu:

[...]