Quyết định 226/2006/QĐ-TTg quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 226/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/10/2006
Ngày có hiệu lực 06/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 226/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TỔ CHỨC LỄ ĐỘNG THỔ, LỄ KHỞI CÔNG VÀ LỄ KHÁNH THÀNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

2. Đối với các công trình xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác ngoài các nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều này, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng các quy định của Quyết định này, khi tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng.

Điều 2. Điều kiện tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng

1. Lễ động thổ, khởi công công trình chỉ được tiến hành khi đã có đủ các điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 72 của Luật Xây dựng và quy định tại khoản 4 Điều 40 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02  năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Lễ khánh thành công trình xây dựng chỉ được thực hiện khi đã hoàn tất công tác nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ được tổ chức một lần lễ động thổ hoặc lễ khởi công và một lần lễ khánh thành công trình khi được phép của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

4. Việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là các buổi lễ), ngoài việc tuân theo các quy định tại Quyết định này, còn phải tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Thẩm quyền cho phép tổ chức các buổi lễ

Chủ đầu tư lập kế hoạch tổ chức buổi lễ, trong đó nêu rõ lý do, nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham dự, kinh phí tổ chức, phương án tiến hành buổi lễ, trình người có thẩm quyền quy định dưới đây cho phép tổ chức buổi lễ:

1. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

a) Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các buổi lễ đối với các công trình quan trọng quốc gia.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép tổ chức các buổi lễ đối với các công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương khi có một trong các điều kiện sau:

- Dự án thuộc nhóm A, theo quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trừ các dự án an ninh, quốc phòng, sản xuất chất độc hại, chất nổ.

- Có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cộng đồng trong phạm vi của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với các công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, người cho phép tổ chức các buổi lễ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư .

Điều 4. Tổ chức buổi lễ

1. Đơn vị tổ chức buổi lễ phối hợp với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình thông báo để nhân dân địa phương biết, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho buổi lễ; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng và nhiệm vụ xây dựng công trình.

2. Việc tổ chức buổi lễ phải phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, không phô trương hình thức, bảo đảm thực hành tiết kiệm chống lãng phí; không gây mất trật tự an ninh xã hội, không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng khác. Không được lợi dụng việc tổ chức buổi lễ để tuyên truyền cho các mục đích khác ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

3. Tùy theo quy mô, tính chất của buổi lễ mà đơn vị tổ chức buổi lễ mời khách trong phạm vi thích hợp; đối tượng khách mời phải phù hợp với mục đích, yêu cầu buổi lễ; hạn chế mời khách ở xa nơi tổ chức các buổi lễ. Việc đưa đón khách mời cần tổ chức tại một số địa điểm, bằng xe chung, không tổ chức đưa đón tại nhà riêng.

4. Địa điểm tổ chức buổi lễ cần trang trí đơn giản, gọn nhẹ, trang trọng, thiết thực. Nội dung trang trí chủ yếu bao gồm: tên buổi lễ, tên dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, thời gian thực hiện dự án, biểu tượng, lôgô (nếu có) của chủ đầu tư và các nhà thầu.

5. Buổi lễ phải được thực hiện theo đúng chương trình, nội dung trong kế hoạch đã được phê duyệt. Nội dung chính của buổi lễ bao gồm: báo cáo tóm tắt của chủ đầu tư về dự án, ý kiến của nhà thầu, của địa phương nơi xây dựng công trình, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, phát lệnh khởi công hoặc tuyên bố khánh thành công trình.

6. Nghiêm cấm việc tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào, không dùng phù hiệu, ''nơ'', hoa cài ngực, hạn chế tối đa việc tặng hoa. Các buổi lễ không được gây lãng phí về thời gian và các chi phí khác có liên quan.

[...]