Chỉ thị 246-TTg năm 1972 về chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế trong tình hình có chiến tranh phá hoại ở miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 246-TTg |
Ngày ban hành | 05/09/1972 |
Ngày có hiệu lực | 20/09/1972 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Thương mại |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 246-TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 1972 |
VỀ VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ TRONG TÌNH HÌNH CÓ CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI Ở MIỀN BẮC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Hiện nay, trước tình hình miền Bắc có chiến tranh, mặc dầu sản xuất, xây dựng, lưu thông, phân phối có những khó khăn, biến động; chúng ta càng phải giữ vững pháp chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, giữ vững mối quan hệ kinh tế giữa các ngành, các địa phương, các đơn vị kinh tế, giữ mọi hoạt động trong guồng máy kinh tế không bị gián đoạn hoặc rối loạn, bảo đảm thực hiện chế độ quản lý kinh tế thời chiến. Để đạt được yêu cầu đó, một mặt cần phải giữ vững và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế, mặt khác do tình hình kinh tế trong thời chiến không ổn định nên việc ký kết, thực hiện hợp đồng cũng như việc xử lý vi phạm hợp đồng phải tiến hành phù hợp với điều kiện quản lý kinh tế trong chiến tranh.
Để quán triệt tinh thần trên đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, đơn vị kinh tế cơ sở nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc và công tác cụ thể sau đây:
Khi ký hợp đồng kinh tế cụ thể, một mặt phải bảo đảm những nguyên tắc và chế độ quản lý kinh tế, mặt khác phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng nơi, từng lúc, từng đơn vị để có sự linh hoạt cần thiết trong các điều khoản thực hiện, có chiếu cố đến những khó khăn của nhau, bảo đảm việc ký kết được nhanh chóng, không kéo dài.
Chỉ được miễn ký kết hợp đồng trong trường hợp thi hành mệnh lệnh đặc biệt hoặc khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, hoặc của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố để giải quyết những yêu cầu đột xuất của chiến trường hoặc để đối phó với thiên tai địch họa.Tuy nhiên khi ra mệnh lệnh, cơ quan có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng, có chỉ định cụ thể với đơn vị thực hiện, đơn vị thanh toán để tránh sự rối loạn về sau.
a) Cơ sở để ký hợp đồng:
Căn cứ vào phương hướng kế hoạch 6 tháng cuối năm 1972 của Nhà nước, các bên có quan hệ hợp đồng kinh tế cụ thể với nhau, cần soát xét lại các hợp đồng đã ký kết để bổ sung, điều chỉnh lại cho phù hợp với nhiệm vụ kế hoạch điều chỉnh khẩn trương tiếp tục ký kết các hợp đồng mới.
Tùy hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc, từng đơn vị, từng mặt hàng, từng khối lượng công việc mà ký kết với nhau các hợp đồng kinh tế thời gian kế hoạch giao như kế hoạch qúy, tháng hoặc từng nhiệm vụ, từng chuyến, từng đợt công tác.
Đối với những chỉ tiêu đã được cân đối có tính chất pháp lệnh thì các bên có nghĩa vụ thực hiện và phải ký kết bằng được các hợp đồng kinh tế cụ thể, không bên nào được tự ý từ chối ký kết hợp đồng. Nếu vì có những khó khăn khách quan, nên không ký được hợp đồng thì phải báo cáo lên cơ quan quản lý và cơ quan kế hoạch cấp trên quyết định. Về phần mình, các cơ quan này có trách nhiệm tìm mọi biện pháp, tạo điều kiện cho cơ sở ký kết hợp đồng.
Đối với ngành vận tải, ngoài các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và kế hoạch tỉnh, các chỉ tiêu của Ban Điều hòa vận tải Trung ương hoặc của Ban Điều hòa vận tải tỉnh cũng là cơ sở để ký kết hợp đồng.
Đối với những chỉ tiêu hướng dẫn, thì các ngành, các cấp có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, đôn đốc giúp đỡ các đơn vị cơ sở trực thuộc mình, tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở tiền hành bàn bạc ký kết hợp đồng kinh tế cụ thể với nhau để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch.
b) Nội dung của hợp đồng:
Hai bên ký kết hợp đồng phải lường trước các tình huống có thể xảy đến, dự kiến những biện pháp giải quyết, xác định trách nhiệm cụ thể của từng bên khi tình huống xảy ra, và ghi cụ thể vào hợp đồng. Ngòai ra có thể ghi trường hợp có tình hình đột xuất xảy ra thì sẽ xử lý thế nào cho thích đáng.
Các điều khoản về số lượng, chất lượng sản phẩm, khối lượng vận tải, nơi giao nhận, điều kiện bảo quản hàng hóa, giá cả, thể thức thanh toán hoặc chứng nhận những sự bất trắc, những thiệt hại do thiên tai địch hoạ gây ra… phải ghi cụ thể và phải phù hợp với tình hình thực tế ở từng nơi, từng lúc.
Hợp đồng vận tải cần ghi rõ trách nhiệm chuyên chở, bốc dỡ, áp tải và nơi giao nhận; nếu trong thực tế có trường hợp bị đánh phá thì hai bên phải trao đổi thỏa thuận cùng nhau huy động phương tiện thực hiện tốt việc giao nhận hàng và thanh toán với nhau về phí vận chuyển.
Về giá cả phải ghi cụ thể, theo giá quy định của Nhà nước, hoặc giá chỉ đạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hết sức tránh việc ghi giá tạm tính. Nếu vì yêu cầu đột xuất, mà chưa có giá chính thức, thì được phép ghi giá tạm tính và phải quy định thời gian đảm bảo có giá chính thức. Cơ quan có thẩm quyền xét duyệt có giá có trách nhiệm kịp thời công bố giá chính thức.Trường hợp vì điều kiện chiến tranh có những khoản chi phí tăng lên thì cũng phải có sự tính toán cụ thể và ghi vào hợp đồng theo đúng những quy định của Nhà nước về quản lý giá cả và giá cước vận tải trong thời chiến.
Phương thức thanh toán phải do hai bên thỏa thuận, phù hợp với đặc điểm và điều kiện giao nhận vật tư hàng hóa, không được bên nào ép buộc bên nào. Nếu có sự tranh chấp, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác định thể thức thanh toán thích hợp cho 2 bên áp dụng.
Sau khi ký kết hợp đồng, mỗi bên đều phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hết sức mình để thực hiện một cách tích cực nhất những điều đã ký kết. Nếu một bên có khó khăn không giải quyết được thì phải kịp thời thông báo và phối hợp chặt chẽ với bên kia để bàn biện pháp khắc phục, đồng thời cần báo cáo kịp thời lên cơ quan quản lý các cấp trên để yêu cầu giúp đỡ. Giữa các ngành, các cấp phải tăng cường quan hệ, cộng tác chặt chẽ với nhau, hết sức phục vụ lẫn nhau, tạo điều kiện cho cơ sở chấp hành tốt các hợp đồng kinh tế đã ký kết.
Đối với những hợp đồng kinh tế đã ký kết trước lúc có chiến tranh, phải xem xét lại trên tinh thần hết sức tôn trọng những hợp đồng có đủ điều kiện thực hiện, không được dựa vào những lý do không chính đáng để vi phạm hợp đồng. Nếu có khó khăn, hai bên phải soát xét lại các điều khoản bổ sung, điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng nơi, từng đơn vị.
Nếu nhiệm vụ kế hoạch có thay đổi, thì đôi bên phải thanh lý sòng phẳng những hợp đồng đã ký theo nguyên tắc:
a) Đối với những mặt hàng đã sản xuất xong thì bên đặt hàng có trách nhiệm nhận hàng và thanh toán. Nếu bên đặt hàng có khó khăn về kho tàng, vận chuyển hoặc tiêu thụ sản phẩm thì phải tìm cách giải quyết, không được để hư hỏng và ứ đọng sản phẩm, gây khó khăn cho bên sản xuất.
b) Đối với nguyên liệu, vật liệu dự trữ hoặc nửa thành phẩm để sản xuất theo kế hoạch nay vì chuyển mặt hàng hoặc rút sản xuất thì đơn vị sản xuất phải tận dụng vào việc sản xuất mặt hàng mới hoặc tổ chức tiêu thụ. Việc giải quyết tiêu thụ sản phẩm; vốn dự trữ vật tư, hàng hóa vượt định mức phải căn cứ vào Chỉ thị số 193-TTg ngày 06/07/1972 và Thông tư số 234-TTg ngày 14/08/1972 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Cần giữ vững pháp luật Nhà nước, đề cao kỷ luật hợp đồng, đẩy mạnh công tác trọng tài kinh tế.
Việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch phải gắn liền với việc chỉ đạo công tác hợp đồng kinh tế, coi việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế là một phần biện pháp quan trọng để quản lý kinh tế thời chiến. Thủ trưởng các ngành, các cấp phải coi trọng việc chỉ đạo các đơn vị cơ sở ký kết và thực hiện các loại hợp đồng kinh tế, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những mắc mứu, khó khăn cho cơ sở, nghiên cứu thực hiện nghiêm chỉnh những kiến nghị của Hội đồng trọng tài kinh tế. Có như vậy mới tăng cường được quản lý mọi mặt, không để xảy ra tình trạng tùy tiện, buông lỏng, làm rối loạn trong quản lý kinh tế, tài chính thuộc ngành mình, địa phương mình.