Chỉ thị 241-TTg năm 1978 về thực hiện triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 241-TTg
Ngày ban hành 26/04/1978
Ngày có hiệu lực 11/05/1978
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 241-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1978 

 

VỀ THỰC HIỆN TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG

Trong mấy năm qua, ngành điện đã có nhiều cố gắng khôi phục và phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu của các ngành và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu tăng lên ngày càng cao, nguồn điện thiếu nhiều trong những năm 1978-1979 và 1980; chỉ sau năm 1980 khi các cơ sở điện lớn đang xây dựng đi vào sản xuất thì nguồn điện mới tăng lên đáng kể.

Hiện nay, ở miền Bắc và miền Trung, khả năng phát điện và yêu cầu tiêu thụ điện đang mất cân đối gay gắt. Nguyên nhân của tình hình này một mặt do nguồn điện không tăng kịp yêu cầu, mặt khác do việc sử dụng điện không hợp lý và còn nhiều lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.

Để khắc phục tình trạng mất cân đối hiện nay về điện, đi đôi với các biện pháp tăng thêm nguồn điện cho các khu vực, đẩy mạnh tốc độ khôi phục và xây dựng mới các nhà máy điện và đường dây, cần phải thực hiện triệt để chế độ tiết kiệm dùng điện cả trong sản xuất và tiêu dùng, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí và sử dụng không hợp lý các nguồn năng lượng mà nước ta đang còn khó khăn, tập trung nguồn điện cũng như các nguồn năng lượng khác cho mục tiêu sản xuất.

Việc thực hiện triệt để chế độ tiết kiệm điện hiện nay phải nhằm vào các yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Giảm mức tiêu dùng điện quá định mức của tất cả các đơn vị sản xuất và hộ tiêu dùng mà vẫn bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và bảo  đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân;

2. Trên cơ sở năng lượng điện hiện có, bảo đảm phân phối đều đặn điện cho các nhu cầu của sản xuất, xây dựng;

3. Đưa công tác quản lý, phân phối và sử dụng điện đi vào nền nếp ở tất cả các đơn vị, các ngành, các địa phương, các khu dân cư.

Những công việc cụ thể cần phải tiến hành để đạt được yêu cầu nói trên là:

1. Tuyên truyền giải thích rộng rãi trong cán bộ, công nhân, xã viên và nhân dân làm cho mọi người, mọi đơn vị thấu suốt ý nghĩa quan trọng và cấp thiết của việc triệt để tiết kiệm điện trong mọi lĩnh vực, coi việc tiết kiệm điện quan trọng như tiết kiệm lương thực, sắt thép, xi măng, xăng dầu,…

Cần phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tiết kiệm điện, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán những hiện tượng sử dụng quá mức, lãng phí, vi phạm chế độ, thể lệ sử dụng điện, lên án hành động lấy cắp điện, v.v….

Bộ điện và than cần phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin, phát thanh và vô tuyến truyền hình để tiến hành việc này.

2. Xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh các định mức sử dụng điện trong sản xuất và tiêu dùng.

Trong quý II-1978, tất cả các đơn vị sản xuất và sự nghiệp, không kể là cơ sở cũ hay mới đi vào sản xuất đều phải tiến hành kiểm tra các mức tiêu hao điện đã có, xây dựng các định mức tiêu hao điện có căn cứ khoa học, kỹ thuật, với tinh thần sử dụng triệt để tiết kiệm. Ngay từ năm 1978 phải phấn đấu giảm mức tiêu hao điện xuống ngang mức trước chiến tranh. Bộ điện và than phải cùng các ngành, các địa phương giải quyết việc trang bị dụng cụ đo lường để theo dõi và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mức tiêu dùng điện của từng cơ sở.

Thứ trưởng mỗi đơn vị sản xuất, sự nghiệp phải nghiên cứu đề ra các biện pháp tích cực giảm mức tiêu hao điện, như điều chỉnh công suất sử dụng điện giữa các giờ trong ngày không để tăng vọt từng lúc, sửa chữa, thay thế các môtơ tiêu hao điện quá mức, không chạy máy không tải, tổ chức lại ca làm việc, giảm điện chiếu sáng các nơi không cần thiết, tách lưới điện tiêu dùng ra khỏi lưới điện sản xuất,…Các cơ sở sản xuất nào có điện đi-ê-den phải cho hoạt động, tự cung cấp điện với mức cao nhất để giảm mức cung cấp điện của điện lưới.

Để giảm mức tiêu hao điện một cách cơ bản, các ngành, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị áp dụng nhiều biện pháp như cải tiến quy trình công nghệ, cải tiến thiết bị, cải tiến tổ chức lao động, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất..

Sau khi từng đơn vị xây dựng định mức,cơ quan quản lý cấp trên phải xét duyệt và tổng hợp mức tiêu thụ của các đơn vị thuộc mình quản lý, sau đó đăng ký với Bộ Điện và than và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Bộ Điện và than hướng dẫn tiến hành việc này.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xét duyệt và ban hành định mức tiêu hao điện của các loại sản phẩm chủ yếu của các ngành sản xuất và đưa việc phấn đấu giảm định mức tiêu hao điện thành một chỉ tiêu trong kế hoạch hàng năm giao cho các ngành, các địa phương. Ngành điện căn cứ vào các định mức của kế hoạch Nhà nước và các bản đăng ký của các ngành, các địa phương mà ký kết hợp đồng cung cấp điện. Dựa vào thứ tự ưu tiên cung cấp điện cho các đơn vị, ngành điện cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đặt kế hoạch và mức cung cấp cho các đơn vị một cách ổn định, không được cắt điện tùy tiện.

Đối với những cơ sở sản xuất nào thực hiện vượt quá mức chỉ tiêu định mức tiêu hao điện, (hoặc mức đăng ký dùng điện nếu không có chỉ tiêu định mức) sẽ phải trả tiền cho phần điện dùng quá định mức theo giá lũy tiến từ 150% đến 300% giá quy định, Bộ Điện và than, Bộ Tài chính quy định cụ thể các mức lũy tiến này.

Trong tiêu dùng:

Bộ Điện và than cùng với Bộ Tài chính và Tổng công đoàn nghiên cứu trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành ngay trong tháng 5 năm 1978 chế độ thu tiền điện trực tiếp của công nhân, viên chức, quy định các định mức tiêu dùng điện một cách tiết kiệm theo khả năng cung cấp điện của từng nơi.

Bộ Điện và than tổ chức việc lắp đặt đồng hồ đếm điện cho từng hộ và sửa chữa kịp thời đồng hồ bị hư hỏng để kiểm tra chính xác mức tiêu dùng điện và thúc đẩy việc tiết kiệm điện. Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương tổ chức việc sản xuất, nhập và bán đồng hồ cho đủ nhu cầu.

Tạm thời ngừng cung cấp điện tiêu dùng trong sinh hoạt gia đình ở tất cả các vùng nông thôn và các thị trấn thuộc các khu vực thiếu điện. Đối với miền Nam, nhiều khu vực đang dùng điện từ máy phát chạy bằng đi-ê-den, chủ yếu chỉ để phục vụ sinh hoạt, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải cùng Bộ Điện và than soát xét lại hết sức hạn chế mức tiêu dùng điện cho sinh hoạt ở các khu vực này, rút bớt chi tiêu kế hoạch sản lượng điện phát ra để giảm mức tiêu phí xăng dầu.

Ban hành giá điện mới đối với các hộ tiêu dùng là người nước ngoài. Bộ Điện và than, Ủy ban vật giá Nhà nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan phối hợp tiến hành ngay việc này.

3. Thực hiện chế độ thưởng phạt trong việc sử dụng điện.

Đối với các đơn vị thực hiện tốt việc giảm mức tiêu hao điện hoặc các cá nhân có thành tích hoặc có sáng kiến trong việc tiết kiệm dùng điện thì Bộ Điện và than, các Bộ chủ quản cần biểu dương khen thưởng. Trái lại, đối với các đơn vị và cá nhân dùng điện quá mức hoặc vi phạm chế độ thể lệ thì ngoài việc phải trả tiền điện theo giá lũy tiến, còn tùy theo lỗi nặng nhẹ mà bị phạt tiền bằng 2 lần đến 10 lần giá trị năng lượng điện dùng quá mức.

Bộ Điện và than cùng Bộ Tài chính xây dựng chế độ thưởng, phạt các đơn vị và cá nhân.

Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động này, tiến hành đầy đủ các việc cần thiết bảo đảm đạt mục đích, yêu cầu và thời gian. Bộ Điện và than có trách nhiệm chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đôn đốc kiểm tra và thường xuyên báo cáo Thường vụ Hội đồng Chính phủ kết quả thực hiện việc vận động tiết kiệm điện này.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ