Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 23/2011/CT-UBND về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 23/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 12/07/2011
Ngày có hiệu lực 22/07/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 23/2011/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được Quốc Hội thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước có liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở - ban - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng:

a) Các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến, gia công, sản xuất và nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng:

- Tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Đối với các loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn thuộc nhóm 2 (theo danh mục của Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BXD ngày 18 tháng 6 năm 2009 quy định công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng, Thông tư số 01/2010/TT-BXD ngày 08 tháng 01 năm 2010 quy định công tác quản lý chất lượng clanhke xi măng poóc lăng thương phẩm, Thông tư số 14/2010/TT-BXD ngày 20 tháng 8 năm 2010 quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng gạch ốp lát) phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Xây dựng (nơi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất hoặc nhập khẩu) trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.

- Thực hiện đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành, gắn dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), chịu trách nhiệm về xuất xứ và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu.

b) Các tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu hàng hóa vật liệu xây dựng:

Tuân thủ theo quy định tại Điều 32 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định khác liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

c) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa vật liệu xây dựng:

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Chỉ kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của các nhà sản xuất, nhập khẩu đã công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy và gắn nhãn hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2); có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; có xuất xứ hàng hóa rõ ràng.

2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng:

a) Chủ đầu tư:

- Kiểm tra và giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trước khi sử dụng, lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và quy định tại Điều 14 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Lựa chọn phòng thí nghiệm được Bộ Xây dựng công nhận khi tiến hành thí nghiệm vật liệu xây dựng.

b) Các nhà thầu tham gia xây dựng:

Vật liệu xây dựng tập kết tại hiện trường ngoài việc kiểm tra sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình còn phải kiểm tra nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa; chỉ sử dụng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của các nhà sản xuất, nhập khẩu tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng; bảo quản các sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định.

3. Các tổ chức thí nghiệm vật liệu xây dựng:

a) Phòng thí nghiệm phải đăng ký hoạt động và được Bộ Xây dựng công nhận, duy trì thường xuyên hệ thống quản lý chất lượng thí nghiệm, đảm bảo tính khách quan và tính chính xác của các phép thử theo tiêu chuẩn đã đăng ký. Cơ sở quản lý phòng thí nghiệm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và quản lý hoạt động của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận theo quy định tại Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

b) Nghiêm cấm dùng thiết bị chưa kiểm định hoặc hết hạn kiểm định (hoặc hiệu chuẩn) để thí nghiệm và cấp các kết quả thí nghiệm không có mẫu.

c) Cơ sở quản lý phòng thí nghiệm được công nhận phải gửi bản sao quyết định công nhận và thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng (tại địa phương nơi đặt phòng thí nghiệm) trước khi tiến hành hoạt động.

d) Trước khi tiến hành các hoạt động khảo sát, lấy mẫu, thí nghiệm cho các dự án cụ thể, cơ sở quản lý thí nghiệm phải thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng (tại địa phương nơi thực hiện dự án) với nội dung: tên và địa chỉ phòng thí nghiệm; địa chỉ nơi thực hiện dự án; danh mục các chỉ tiêu thí nghiệm cho dự án; danh sách cán bộ, nhân viên thí nghiệm tại hiện trường.

4. Các tổ chức chứng nhận hợp quy:

a) Phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định tại Điều 19, Điều 20 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Điều 5 Thông tư số 21/2010/TT-BXD ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và Điều 12, Điều 14 Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy”.

b) Cung cấp kết quả chứng nhận hợp quy, kết quả thử nghiệm (nếu thực hiện thử nghiệm) cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng.

[...]