Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 05/04/2019
Ngày có hiệu lực 05/04/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Đặng Trọng Thăng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Thái Bình, ngày 05 tháng 4 năm 2019

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN PHẨM, HÀNG HÓA VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Trong những năm vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vật liệu xây dựng đã được ban hành như: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007; Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và hướng dẫn chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và triển khai thực hiện các quy định về lĩnh vực vật liệu xây dựng của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn chưa kịp thời và đồng bộ.

Để công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh được thống nhất, tuân thủ quy định của pháp luật; phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện nghiêm việc xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, quy hoạch phát triển vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;

- Thông báo đến các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò nung tuynen trong khu vực đô thị (thành phố, thị trấn) được hoạt động đến hết năm 2020; các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò nung tuynen nằm ngoài khu vực đô thị được thực hiện dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến với điều kiện phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh; có nguồn nguyên liệu được khai thác hợp pháp;

Việc cải tạo, chuyển đổi công nghệ phải theo hướng đảm bảo lò tuy nen sản xuất theo công nghệ tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định; khuyến khích đầu tư xây dựng các loại vật liệu thay thế không dùng nguyên liệu đất sét;

Đối với các dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh công nghệ chính của dự án, nhà đầu tư phải thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư (quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) và thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định của Nhà nước;

- Đôn đốc, hướng dẫn và yêu cầu các nhà máy gạch tuynen thuộc địa bàn quản lý (cả trong và ngoài khu vực đô thị, thành phố, thị trấn) lập đề án sắp xếp lại sản xuất và chuyển đổi dần sang sản xuất vật liệu xây không nung hoặc các loại sản phẩm khác; các nhà máy gạch tuynen nằm ngoài đô thị nếu không chủ động lập đề án chuyển đổi theo yêu cầu trên thì khi hết thời hạn thuê đất Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ không cho phép gia hạn thời gian thuê đất;

- Thực hiện quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt của Chính phủ và của tỉnh; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng;

- Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất, tiêu thụ của các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thuộc địa bàn quản lý; định kỳ báo cáo Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chủ đầu tư các công trình xây dựng, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, nhà thầu thi công

Thực hiện nghiêm việc kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng đưa vào công trình theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt; yêu cầu đơn vị cung ứng hàng hóa vật liệu xây dựng thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp các chứng chỉ, chứng nhận, các thông tin, tài liệu có liên quan tới sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng, quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của pháp luật khác có liên quan;

Trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; người có thẩm quyền quyết định phê duyệt, cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng theo Thông tư số 13/2017/TT- BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng.

3. Sở Xây dựng

- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

- Đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này, các quy định của Nhà nước và của tỉnh về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng;

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra chuyên ngành về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

4. Cục Quản lý thị trường Thái Bình

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập lậu, nhái nhãn hiệu hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng lưu thông trên thị trường.

5. Chi cục Hải quan Thái Bình

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định;

- Hàng năm hoặc đột xuất cung cấp cho Sở Xây dựng thông tin về chủng loại, số lượng, thương hiệu, xuất xứ và các thông tin liên quan về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Các sở, ban, ngành có liên quan:

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào công trình xây dựng theo quy định pháp luật;

- Thực hiện quản lý các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thái Bình đã được phê duyệt;

[...]