Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2017 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu | 19/CT-UBND |
Ngày ban hành | 12/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 12/12/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Đinh Viết Hồng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 12 tháng 12 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT VỤ XUÂN 2017
Vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm, quyết định trên 60% mục tiêu sản xuất lương thực cả năm. Thời tiết vụ Xuân thường diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguy cơ rét đậm, rét hại và các loại sâu bệnh như chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn,...có khả năng phát sinh gây hại lớn trên diện rộng.
Trước tình hình sản xuất vụ Đông năm 2016 chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn đã làm 9.290,2 ha diện tích các cây trồng như ngô, lạc, rau màu... bị thiệt hại và mất trắng. Để sản xuất vụ Xuân 2017 đạt kết quả cao, nhằm bù lại sản lượng bị sụt giảm của vụ Đông, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thành, thị:
a) Căn cứ Đề án sản xuất vụ Xuân 2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT và tình hình đặc điểm đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh sản xuất của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân 2017 của địa phương mình. Đề án phải sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và phải thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành để hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải cụ thể, sáng tạo đảm bảo vừa ổn định an ninh lương thực, vừa sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao;
b) Cấp ủy, UBND các huyện, thành, thị có văn bản chỉ đạo sản xuất vụ Xuân 2017 và thành lập Ban chỉ đạo sản xuất ở các địa phương; Phân công lãnh đạo UBND huyện và cán bộ các phòng, ban có liên quan chỉ đạo cụ thể ở từng cụm xã, từng xã, phường, thị trấn;
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo để nông dân thực hiện nghiêm túc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến; đặc biệt là giải pháp về gieo mạ, cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy để né tránh thiên tai và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, các nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sản xuất để nông dân biết, chủ động thực hiện;
d) Rà soát cụ thể những diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những diện tích không chủ động nước chuyển sang làm các loại cây trồng khác như rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày;
e) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... phục vụ sản xuất ở địa phương. Kiên quyết không để tình trạng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...không đảm bảo chất lượng đưa vào phục vụ sản xuất. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
f) Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ hỗ trợ nông dân theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đúng quy định, kịp thời; tránh tình trạng chậm hỗ trợ nông dân do không hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục theo quy định như hiện nay. Đồng thời, cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho nông dân, ngoài chính sách của Trung ương và của tỉnh; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến có hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Thành lập các đoàn kiểm tra giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phối hợp với UBND các huyện, thành, thị kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân;
Thành lập các đoàn chỉ đạo sản xuất do lãnh đạo các đơn vị chuyên môn và các phòng ban thuộc Sở để phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các địa phương xử lý các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở để thực hiện tốt đề án sản xuất vụ Xuân 2017 đã đề ra;
b) Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình hướng dẫn, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, khắc phục thiên tai, phòng trừ sâu bệnh hại do cơ quan chuyên môn đề ra;
c) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là tình hình rét đậm rét hại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa xuân, thường xuyên theo dõi sát diễn biến của thời tiết, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý đối với tình huống bất lợi do thời tiết gây ra;
d) Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình và kết quả sản xuất vụ Xuân báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan Trung ương liên quan.
3. Sở Tài chính:
a) Tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các địa phương theo Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh; Quyết định số 5308/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt mức hỗ trợ giống ngô để chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô theo Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan để người dân chủ động triển khai sản xuất;
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu trình UBND tỉnh cấp kinh phí kịp thời phục vụ công tác khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 về việc sửa đổi bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011 về việc quy định chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (nếu có).
4. Sở Công thương:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty cổ phần thủy điện Bản Vẽ và các công ty thủy điện khác trên địa bàn tỉnh điều chỉnh lịch phát điện phù hợp, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất;
b) Chỉ đạo điện lực Nghệ An ưu tiên điện cho sản xuất nông nghiệp, nhất là những thời kỳ cần điện để bơm nước phục vụ sản xuất;
c) Phối hợp với UBND các huyện, các địa phương để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phân bón vô cơ, ngăn chặn tối đa tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã khẳng định có hiệu quả tại Nghệ An, đồng thời tổ chức nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật mới.
6. Các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội:
Động viên các cấp hội và hội viên thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp kỹ thuật do ngành Nông nghiệp và PTNT đề ra. Quan tâm giúp nông dân thay đổi nhận thức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất kinh nghiệm sang sản xuất đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa để tăng hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích.