Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2017 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 19/CT-UBND
Ngày ban hành 20/12/2017
Ngày có hiệu lực 01/01/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 12 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018

Năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, 4 Chương trình 19 Đề án trọng tâm; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Nghị quyết Hội nghị 12 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018, dự báo có nhiều thuận lợi và tiếp tục có những khó khăn, thách thức; đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 đã đề ra. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2017 và những năm trước, khắc phục các khó khăn, thách thức; đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

I. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, thực thi công vụ

a) Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô: thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; chính sách tiền tệ linh hoạt gắn với chính sách tài khóa chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát; xử lý hiệu quả nợ xấu; ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng; cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo an toàn bền vững nợ công.

b) Tiếp tục quán triệt thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí trong sử dụng ngân sách, đất đai, cổ phần hóa.

c) Tăng cường công tác quản lý và kiểm soát giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, y tế, giáo dục,...

d) Quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

đ) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an sinh xã hội, vận động nhân dân và doanh nghiệp đẩy mạnh tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, trong tỉnh...

2. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Trung ương về tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế: Thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Trung ương nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cụ thể:

a) Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu của từng địa phương gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, trọng tâm là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn. Tăng cường kiểm soát chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành UBND các huyện, thành phố:

- Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao. Triển khai quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai hiệu quả hợp tác với tỉnh Lâm Đồng về nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung chỉ đạo sản xuất lương thực, đảm bảo sự tăng trưởng cả về lượng và chất trên cơ sở khai thác hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Thực hiện tái cơ cấu đàn vật nuôi theo lợi thế so sánh và thị trường; giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tăng cường dịch vụ thú y, quản lý hiệu quả vật tư thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

- Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm chủ lực có giá trị cao.

- Tăng cường quản lý quy hoạch tổng thể phát triển lâm nghiệp theo 3 loại rừng và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến 2015 và định hướng đến 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phát triển mạnh diện tích rừng sản xuất tạo vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở các huyện vùng thấp, trọng tâm là cây quế.

- Tập trung triển khai Đề án thí điểm ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới của các xã biên giới theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị.

- Chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tập trung 4 lĩnh vực: làm đường giao thông nông thôn; tái cơ cấu sản xuất để tăng thu nhập cho người dân; vệ sinh môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Duy trì thực chất và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành đến hết năm 2017; phấn đấu năm 2018, có thêm trên 08 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (Bản Phiệt, Bản Cầm (Bảo Thắng); Bảo Xèo (Bát Xát); Nậm Đét (Bắc Hà), Tân Dương (Bảo Yên), Bản Mế (Si Ma Cai), Thanh Bình (Mường Khương), Làng Giàng (Văn Bàn)).

- Rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thuỷ lợi để xây dựng kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện quản lý, bảo vệ an toàn hồ chứa nước; khai thác, tổng hợp tài nguyên môi trường các vùng lòng hồ chứa nước, thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

b) Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh; trong đó chú trọng phát triển lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ kim loại đồng, thép, apatit; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm sản. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp:

(1) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

- Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp lớn có tác động đến sự phát triển của tỉnh như: Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, Nhà máy luyện đồng Bản Qua, Dự án Sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao của Công ty Koviet,... Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy thủy điện dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ nguồn tài nguyên.

- Tham mưu hoàn thiện quy hoạch Khu công nghiệp phía Tây thành phố Lào Cai.

(2) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương cùng các ngành liên quan đề xuất kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

[...]