Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 142/KH-UBND
Ngày ban hành 17/05/2017
Ngày có hiệu lực 17/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/KH-UBND

Lào Cai, ngày 17 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27/NQ-CP NGÀY 21/02/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TW NGÀY 01/11/2016 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN NHẰM TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 24/2016/QH14 NGÀY 08/11/2016 CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện các nghị quyết trên với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dịch, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế toàn tỉnh (GRDP): Công nghiệp - xây dựng: 44,5%; Dịch vụ: 42,5%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 13%.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020: 160 nghìn tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác năm 2020 trên 80 triệu đồng.

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 33,5 nghìn tỷ đồng (giá 2010).

- Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu năm 2020 đạt 4,6 tỷ USD.

- Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn năm 2020: Khoảng 5 triệu lượt người.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020: 9 nghìn tỷ đồng.

- Doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt trên 25%/năm; đến năm 2020, có khoảng 10.000 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh trên địa bàn; trong đó 80-90% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; hoàn thành nhiệm vụ về tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND tỉnh; thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng theo quy định của Chính phủ.

- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, trong đó qua đào tạo nghề 55%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm còn 63%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 35% tổng số xã trên địa bàn.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô

a) Các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; chính sách tiền tệ linh hoạt gắn với chính sách tài khóa chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát; xử lý hiệu quả nợ xấu; ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.

b) Sở Tài chính chủ trì:

- Cơ cấu lại thu chi ngân sách, chỉ được chi trong giới hạn dự toán chi ngân sách; rà soát, loại bỏ các khoản mục chi chưa cần thiết, nâng cao hiệu quả từng khoản chi; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo chiếm khoảng 25-26% tổng chi ngân sách địa phương.

- Cơ cấu lại nợ công, triển khai có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016-2020; tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Kiểm soát nợ trong giới hạn cho phép và khả năng cân đối trả nợ.

- Đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng tỷ trọng thu nội địa, các khoản thuế trực thu trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để nâng cao tính bền vững của nguồn thu, khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất. Rà soát các quỹ đất hiện có, công trình trụ sở cũ để quản lý sử dụng hiệu quả. Tích cực, đẩy mạnh công tác giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo nguồn thu cho tỉnh.

- Thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng như: y tế, giáo dục... theo lộ trình phù hợp, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát.

2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

- Các sở, ban, ngành hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới hay văn bản sửa đổi bổ sung của tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Rà soát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh theo các quy định của Trung ương và phù hợp với địa bàn tỉnh theo hướng: Xóa bỏ rào cản, bãi bỏ các quy định lạc hậu, không phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; khuyến khích đầu tư hấp dẫn và khả thi (các ưu đãi về thuế, đất đai, công nghệ...). Nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng và đầu tư công, quản lý nợ công, thuế, phí và lệ phí, kế toán, kiểm toán.

[...]