Chỉ thị 17/2000/CT-UB thực hiện giá bán điện và quản lý lưới điện nông thôn do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 17/2000/CT-UB
Ngày ban hành 11/08/2000
Ngày có hiệu lực 11/08/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Luyện Niê KDăm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2000/CT-UB

Buôn Ma Thuột, ngày 11 tháng 08 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN GIÁ BÁN ĐIỆN VÀ QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN.

Ngày 03 tháng 11 năm 1998, Chính phủ ban hành công văn số 1303/CP-KTTH, về việc giá bán điện đến hộ nông dân và ngày 10/02/1999, Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp ban hành thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT/BVGCP-BCN, hướng dẫn thực hiện giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, lưới điện nông thôn ở nhiều nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tổn thất điện năng cao, công tác quản lý nhà nước về giá điện chưa được chú trọng, giá bán điện đến hộ tiêu dùng không thống nhất, thường cao hơn giá quy định của Chính phủ.

Để thực hiện giá bán điện nông thôn và quản lý lưới điện nông thôn theo quy định của Nhà nước; UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ thị :

1) Sở Công nghiệp :

- Hướng dẫn các Tổ chức quản lý điện nông thôn tổ chức quản lý lưới điện nông thôn đúng theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Điện lực Đắk Lắk tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các nhân viên quản lý vận hành lưới điện nông thôn.

- Chủ trì, cùng Sở Tài chính Vật giá và các ngành liên quan hướng dẫn các Tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện việc xây dựng và trình duyệt phương án giá bán điện đến hộ nông dân. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính vật giá thẩm tra và trình UBND tỉnh duyệt phương án giá bán điện nông thôn.

- Chủ động tổ chức, hoặc phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất (khi cần thiết), kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.

- Thực hiện chức năng giám sát điện năng theo quy định của Bộ Công nghiệp.

2) Sở Tài chính Vật giá :

Hướng dẫn, kiểm tra về tài chính của các Tổ chức quản lý điện nông thôn. Phối hợp với Sở Công nghiệp trong việc hướng dẫn giá bán điện, thẩm tra phương án giá bán điện.

3) Sở Kế hoạch và Đầu tư :

- Chủ động phối hợp với Sở Công nghiệp và các địa phương lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo đối với các lưới điện hạ áp nông thôn không đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tổn thất điện năng cao. Ưu tiên vốn cho những vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc tại chỗ, trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp hướng dẫn thủ tục chuyển đổi hoặc thành lập mới các Tổ chức quản lý điện nông thôn theo quy định hiện hành.

5) Cục Thuế tỉnh :

- Hướng dẫn các Tổ chức quản lý điện nông thôn mở sổ sách thống kê kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ ... đúng quy định và thực hiện nghĩa vụ thuế trong hoạt động mua bán điện.

- Cung cấp hóa đơn bán điện cho các Tổ chức quản lý điện nông thôn.

6) Điện lực Đắk Lắk :

Hướng dẫn các Tổ chức quản lý điện nông thôn về kinh nghiệm quản lý vận hành lưới điện, chống tổn thất điện năng, lắp đặt điện kế, quản lý mua bán điện.

7) UBND huyện và thành phố Buôn Ma Thuột :

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các phòng ban chức năng: theo thẩm quyền tăng cường chỉ đạo, giám sát hoạt động và yêu cầu các Tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện đúng các quy định về quản lý, thực hiện giá bán điện nông thôn.

- Có trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư cải tạo các lưới điện hạ áp nông thôn cho đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, nhằm đảm bảo giá bán điện theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý và giá điện nông thôn trong địa bàn về Sở Công nghiệp theo định kỳ 6 tháng, một năm.

8) Tổ chức quản lý điện nông thôn (kể cả Điện lực Đắk Lắk) :

- Có trách nhiệm quản lý tốt tài sản lưới điện nông thôn, phát quang hành lang tuyến, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, tìm biện pháp kỹ thuật và tổ chức quản lý phù hợp (như cải tạo, nâng cấp lưới điện, thay thế công tơ không đủ tiêu chuẩn, cân pha….. xóa bỏ cai thầu điện tư nhân, áp dụng mô hình như: Ban điện xã, hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý điện ...) để giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí vận hành, bảo đảm giá bán điện đến hộ nông thôn bằng mức giá trần 700 đồng/KWh; Những nơi có giá bán điện thấp hơn 700 đồng/KWh thì tiếp tục giữ nguyên giá.

- Thực hiện đúng các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước về giá điện, quản lý vận hành an toàn điện và chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền.

- Xây dựng phương án giá bán điện, gởi về Sở Công nghiệp để thẩm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt; Thực hiện theo giá bán điện đã được duyệt và thông báo công khai cho các hộ sử dụng điện biết.

[...]