Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2023 tăng cường thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 15/CT-UBND
Ngày ban hành 13/11/2023
Ngày có hiệu lực 13/11/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Liệt
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 11 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 – 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030.

Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh Vĩnh Long từng bước khai thác những thế mạnh của hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư, khắc phục những hạn chế, khó khăn và tranh thủ sự hợp tác với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế nhằm tận dụng tối đa thuận lợi và chủ động ứng phó, giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là một thách thức khi hội nhập với nền kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chưa thực sự quan tâm đến tác động của hội nhập kinh tế quốc tế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết, chưa chủ động tham gia các chương trình tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế,… Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình công tác về hội nhập kinh tế quốc tế có lúc còn chưa chặt chẽ.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Công Thương

- Tăng cường phối hợp với các sở ngành tỉnh và địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng đa dạng về hình thức, chuyên sâu về những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật.

- Nghiên cứu tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tìm hiểu các FTA để xây dựng các phương án kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng và phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tận dụng tối đa các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do.

- Phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh của tỉnh gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 3555/QĐ-UBND ngày 29/12/2020, Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định 1310/QĐ-UBND ngày 01/6/2023, Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 17/3/2023.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong từng giai đoạn để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 18/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 06/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Phát triển hạ tầng số phục vụ thông suốt cho các cơ quan quản lý nhà nước, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND, ngày 17/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Phối hợp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế trên hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, hệ thống đài truyền thanh của các huyện, thị xã, thành phố.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định đảm bảo phù hợp với thực tế, nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư có hiệu quả. Phối hợp các đơn vị liên quan huy động, thu hút đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó tập trung vào hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Thực hiện mời gọi đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long theo các chính sách hỗ trợ, danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Chú trọng nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương để giúp định hướng, tranh thủ tận dụng các FTA; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, khai thác tối đa lợi thế, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, phát triển cụm liên kết trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi số kinh tế nông nghiệp; cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn nước nhập khẩu, tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tận dụng công nghệ 4.0 để thực hiện số hóa nền nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh hàng nông sản của tỉnh.

- Phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông sản, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, hướng tới xuất khẩu, phát triển bền vững.

[...]