Chỉ thị 15/CT-UB năm 1988 về việc phát động trồng cây gây rừng phủ xanh đất hoang trống ở TP. Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 15/CT-UB |
Ngày ban hành | 12/05/1988 |
Ngày có hiệu lực | 12/05/1988 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Võ Văn Cương |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 5 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG TRỒNG CÂY GÂY RỪNG PHỦ XANH ĐẤT HOANG TRỐNG Ở TP. HỒ CHÍ MINH.
Sau gần 12 năm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, đến nay toàn thành phố đã trồng được gần 30.000 ha rừng tập trung các loại và trên 80 triệu cây phân tấn. Riêng năm 1987 đã trồng được 900 ha rừng tập trung và 9.058.000 cây phân tán. Rừng và cây trồng từ những năm trước đã và đang phát huy tác dụng phòng hộ, cải tạo môi trường và tạo nguồn thu nhập lớn cho các đơn vị và nhân dân. Nhiều quận huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn, giống, tận dụng đất đai và có những chủ trương biện pháp phù hợp nhằm khuyến khích động viên các ngành các cấp cùng nhân dân tham gia, trồng cây đạt kết quả đáng phấn khởi.
Nhìn chung phong trào trồng cây gây rừng năm 1987 có xác định mục tiêu kinh tế rõ ràng, có so sánh hiệu quả; một số huyện vẫn giữ được phong trào như Củ Chi, Hốc Môn hoặc đang vươn lên như Nhà Bè, Thủ Đức. Sự phối hợp tham gia của các ngành Giáo dục, Thanh niên, Mặt trận ngày một đông. Đặc biệt lực lượng quân đội đã quyết tâm phủ xanh doanh trại như Sư đoàn 317, căn cứ Sóng Thần, Đồng dù… đã trồng nhiều cây đạt tỷ lệ sống cao. Các nông trường An Phú, Tam Tân, Nhị Xuân và nhiều hộ gia đình đã thực hiện việc lấy rừng nuôi rừng. Ngành lâm nghiệp có nhiều đổi mới trong chỉ đạo như tuyển chọn giống tốt, nhập nội giống mới có chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, và phát động nhiều gia đình ươm cây giống phục vụ phong trào, cũng như tổ chức giao ươm trên hiện trường.
Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo phong trào trồng cây gây rừng đã bộc lộ một số thiếu sót cần khắc phục, như:
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chánh quyền các cấp chưa thường xuyên, thiếu biện pháp cụ thể; trong chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch chưa huy động hết mọi tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây gây rừng do đó chưa mạnh dạn đầu tư vốn, giống, đất đai, lao động có nơi còn thả nổi cho phong trào tự phát, có nơi còn ỷ lại đi xin cây con như mấy năm trước đây.
- Chỉ thị 14/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố đã nêu lên các khả năng huy động nguồn vốn cho trồng cây gây rừng nhưng các cấp, các ngành, các đơn vị chưa sáng tạo, vận dụng nên hiện tại chưa có đủ vốn trồng cũng như chưa có những chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích, động viên nhân dân mạnh dạn đầu tư cho trồng cây gây rừng.
Trong công tác trồng cây gây rừng ít chú trọng đến chủng loại giống và kỹ thuật trồng có nơi cây trồng còn ảnh hưởng các công trình khác như: giao thông, điện, cống rãnh v.v… chưa chú trọng đến cây có giá trị kinh tế sau này.
- Công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng, cây trồng chưa tốt, nhứt là trên trục lộ giao thông và nơi công cộng.
- Khâu chọn giống và dẫn nhập giống còn ít. Hiện nay giống còn sử dụng tùy tiện làm ảnh hưởng 1 phần đến chất lượng rừng trồng. Chưa thực hiện thâm canh trong trồng cây gây rừng, chưa chú ý đúng mức kinh doanh rừng chồi sau khai thác.
Việc trồng cây phân tán chưa đưa vào quy hoạch để làm dứt điểm, trồng rừng tập trung chưa chú trọng từ quy hoạch đến bảo vệ rừng do đó số lượng cây trồng bị chết, bị chặt phá vẫn còn nhiều…
Trên cơ sở những việc làm được và tồn tại của công tác trồng cây gây rừng trong các năm qua, năm 1988 cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây gây rừng ở thành phố. Thành phố phấn đấu trồng 500 ha rừng tập trung và trên 5 triệu cây phân tán bảo đảm sống tốt. Hoàn thành cơ bản phủ xanh các khu rừng trồng tập trung ở Duyên Hải, ở lâm viên, rừng văn hóa lịch sử ở ngoại thành đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng các loại đặc sản rừng.
Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị sản xuất cần cố gắng tập trung làm tốt những việc sau đây:
1/ Khẩn trương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác trồng cây gây rừng năm 1987, phân tích rõ nhược điểm để có biện pháp khắc phục tốt hơn trong năm 1988.
2/ Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cho đơn vị mình có biện pháp chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong từng quý, năm trên cơ sở:
- Phải quy hoạch đất đai rõ ràng, quy định rõ đất nông lâm ngư nghiệp, đất nông lâm kết hợp…
- Có kế hoạch trồng cây gây rừng cụ thể cho từng xã, đơn vị.
- Có biện pháp cân đối vốn từ các nguồn.
- Có biện pháp huy động lao động thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ trên cơ sở đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho người trồng cây được quyền hưởng thụ 80% sản phẩm thu được.
3/ Sở Lâm nghiệp phối hợp với các huyện, các ngành chỉ đạo xây dựng 1 huyện và mỗi huyện 1 – 2 xã, đơn vị trồng rừng hoàn thành cơ bản để được công nhận phủ xanh đất trống đồi trọc năm 1988.
4/ Đẩy mạnh trồng rừng trên các khu rừng lịch sử (Bến Đình, Hố Bò, Bến Dược ở Củ chi) Lâm viên Thủ Đức, rừng ngập mặn Duyên Hải, rừng trên đất chua phèn ở Bình Chánh bảo đảm hoàn thành phủ xanh trong năm 1988. Các năm sau đầu tư trồng các cây có ý nghĩa lịch sử, cây kinh tế và nghiên cứu khoa học.
5/ Về nguồn vốn đầu tư năm nay, thành phố không đầu tư kinh phí cho cơ sở để trồng cây phân tán, còn trồng rừng tập trung chỉ cấp cho một số đơn vị trọng điểm. Thực hiện phương châm lấy rừng nuôi rừng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát triển sản xuất lấy ngắn nuôi dài. Do đó nguồn vốn năm 1988 được giải quyết theo các hướng sau đây:
- Huyện, xã tiến hành việc giao đất hoang trống cho từng hộ dân trồng cây gây rừng, vận động nhân dân bỏ vốn và lao động để trồng cây trên đất thổ cư và đất được giao.
- Đối với trục lộ, nơi công cộng khác, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tự cân đối ngân sách bằng các nguồn lợi nhuận qua khai thác chế biến lâm sản của địa phương, giành một phần kinh phí để tạo cây giống cấp cho dân hoặc các đơn vị trồng và chăm sóc bảo vệ cây trồng. Các đơn vị và cá nhân tự trồng được hưởng 80% sản phẩm thu được.
- Đối với các khu rừng văn hóa, lịch sử, du lịch… nguồn vốn tự cân đối trên nguyên tắc lấy thu bù chi, nếu thiếu, lấy ngân sách địa phương cấp thêm.
- Đối với Sở Ban Ngành thành phố các đơn vị sản xuất quốc doanh lấy vốn tự có, từ nguồn lợi khai thác, tỉa thưa rừng, tiền kiểm thu và chênh lệch giá để đầu tư cho trồng rừng và tái sinh rừng, được vay vốn ngân hàng để trồng rừng với lãi suất ưu đãi.
6/ Về nguồn giống
Để đảm bảo công tác trồng cây gây rừng đạt hiệu quả kinh tế cao và ổn định, Sở Lâm nghiệp phối hợp với các quận, huyện hướng dẫn chọn đất thích hợp cho từng chủng loại cây trồng, chú trọng cây có giá trị kinh tế cũng như chọn lọc giống tốt, đồng thời nhập nội những giống mới tăng trưởng nhanh, sản lượng cao, kiên quyết loại trừ giống xấu, pha tạp thoái hóa.