Chỉ thị 15/2012/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 15/2012/CT-UBND
Ngày ban hành 05/10/2012
Ngày có hiệu lực 15/10/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Võ Anh Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/CT-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 10 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Trong thời gian qua, nhất là kể từ khi chấp hành thực hiện chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (sau đây gọi và viết tắt là CT1792), việc thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được kết quả nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, việc quản lý vốn đầu tư từng bước thực hiện theo đúng quy định của CT 1792. Tuy nhiên, do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn đến tình trạng triển khai thực hiện dự án kéo dài so với quy định, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; năng lực của chủ đầu tư; của các tổ chức tư vấn: từ quản lý dự án, lập dự án ĐTXD, thiết kế kỹ thuật, tư vấn tổ chức đấu thầu, giám sát thi công công trình...còn hạn chế, chưa đảm bảo đủ năng lực để đáp ứng so với quy mô dự án đầu tư ngày càng tăng cao, có nhiều tính năng kỹ thuật tiên tiến, phức tạp; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm - đây là khâu khó khăn nhất, trình tự, thủ tục và quy trình thực hiện phức tạp nhất, kéo dài thời gian nhất - nhưng chưa có thay đổi chuyển biến tích cực; công tác đấu thầu, quản lý ký kết và thực hiện hợp đồng giao thầu còn nhiều sai phạm, lúng túng và thiếu căn cứ pháp lý trong khâu xử lý xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện hợp đồng; chất lượng công trình còn nhiều thiếu sót, thực hiện qua loa, còn có tình trạng đối phó với kiểm tra, thanh tra…, nên hiệu quả đầu tư còn thấp, gây phân tán và lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Đặc biệt, đối với quản lý ngân sách đầu tư cấp huyện, thị xã, thành phố còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ nghiêm theo đúng quy định của CT 1792, vẫn còn tư tưởng chông trờ theo cơ chế xin - cho từ ngân sách cấp trên; phổ biến là kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng và danh mục công trình của từng địa phương vượt hằn chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản, phần nào làm chậm tiến độ hoàn thành công trình, kéo dài thời gian thực hiện dự án và khó khăn cho các nhà thầu thi công.

Để khắc phục các tồn tại và bất cập nêu trên, nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư và các đơn vị, chủ thể có liên quan thực hiện một số nguyên tắc và giải pháp sau:

1. Về phân cấp trong đầu tư xây dựng

Việc bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và thực hiện phân cấp trong đầu tư xây dựng phải tuân thủ đúng theo quy định tại các văn bản: CT1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện CT1792; Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quy định về phân cấp quyết định đầu tư và quy định về đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân An Giang về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND.

2. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng

a) Việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải bám sát mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của ngành, của tỉnh An Giang theo quy định tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020; và theo đúng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của tỉnh giai đoạn 2013-2015.

b) Kể từ năm 2013, nghiêm cấm các địa phương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư và danh mục công trình vượt chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách của từng địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm.

Tất cả các dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao (kể cả dự án thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện quản lý), để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản;

c) Các cơ quan đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải quản lý, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo không lãng phí, thất thoát vốn đầu tư;

d) Đối với các dự án mới triển khai, yêu cầu các chủ đầu tư chỉ được cho nhà thầu ứng vốn khi nhà thầu có văn bản cam kết mục đích sử dụng vốn ứng, thời gian hoàn ứng, kèm theo bảng kê chi tiết các nội dung chi, khối lượng, đơn giá nguyên, nhiên, vật liệu tương ứng với số vốn ứng; việc tạm ứng vốn phải thực hiện đúng theo quy định tại CT1792; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ứng; xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng vốn ứng không đúng mục đích.

đ) Đối với các dự án đã cho ứng vốn, các chủ đầu tư tích cực kiểm tra tiến độ thi công thực tế, tổ chức làm việc với các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời hoàn thành các hồ sơ, thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn đã tạm ứng theo đúng quy định.

3. Về tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố

a) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện trong tất cả các khâu trong quá trình đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công và tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển;

b) Củng cố và tăng cường năng lực quản lý của các phòng, ban chuyên môn có liên quan đến đầu tư và xây dựng; rà soát, bố trí cán bộ có năng lực và trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyết định đầu tư, của các chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án;

c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án; chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho nhà thầu, đặc biệt là đất đai, mặt bằng, nguồn nguyên liệu,…;

d) Phối hợp với các nhà thầu rà soát các tiến độ thi công của từng dự án, lập kế hoạch chi tiết về tiến độ để thực hiện, yêu cầu nhà thầu có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ. Đối với các dự án giao khởi công mới, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công xây dựng;

đ) Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng theo quy định tại Điều 69, Điều 70, và Điều 71 của Luật Xây dựng; sử dụng hiệu quả phần nguồn vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo Quỹ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư;

e) Tập trung chỉ đạo việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu và công tác tổ chức đấu thầu theo đúng quy định tại Điều 3 của Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND. Các cấp chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để có phương án, kế hoạch cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng.

Kể từ năm 2013, chỉ được phép phê duyệt kế hoạch đấu thầu hoặc giao thầu thi công hoặc tổ chức đấu thầu các gói thầu thi công xây lắp khi các chủ đầu tư đã hoàn thành cơ bản công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (phải giải ngân đền bù từ 80% dự toán đền bù đã được phê duyệt) của gói thầu đó. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố khi thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc trực tiếp phê duyệt kế hoạch đấu thầu phải kiểm tra điều kiện này;

f) Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang;

g) Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng đối với vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ và Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện nghiêm chế độ và nội dung báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn nhà nước khác theo quy định.

4. Trách nhiệm của sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Lập và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng và danh mục dự án công trình hàng năm theo phương thức quản lý tổng chỉ tiêu kế hoạch vốn của từng dự án và danh mục công trình; đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại CT1792.

Chủ trì cùng sở Tài chính thực hiện kiểm tra việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư và danh mục công trình theo đúng chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách của từng địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm và đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của CT1792.

[...]