Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2016 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 14/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 28/06/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Đức Chung |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2016 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn số 4333/BKHĐT-TH ngày 06/6/2016 và số 4556/BKHĐT-TH ngày 09/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2017, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ thị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các Tổng công ty trực thuộc Thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch năm 2017 theo các nội dung chủ yếu sau:
A. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017
1. Đánh giá sát thực, đúng thực chất tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển KT-XH và dự toán NSNN 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2016 của ngành mình, cấp mình trên cơ sở đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; các nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ, HĐND Thành phố và các chương trình, kế hoạch của UBND Thành phố; trong đó, chú trọng đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND Thành phố số 04/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016, số 11/2015/NQ-HĐND ngày 02/12/2015 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2016; Chương trình hành động số 17/CTr-UBND ngày 20/01/2016 của UBND Thành phố về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2016; và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của ngành, cấp mình.
2. Dự báo kịp thời tình hình thế giới và trong nước, những cơ hội, thách thức đối với sự phát triển để có giải pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
3. Trên cơ sở kết quả đã đạt được và dự báo tình hình có liên quan, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, các điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, các sở, ngành và địa phương xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017.
4. Việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017 phải phù hợp với Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.
5. Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017 phải được triển khai xây dựng đồng bộ, hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị.
6. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình trong xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực.
Cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh huy động và thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2016. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng và quản lý đô thị; xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
II. Định hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017
1. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch,... Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản. Tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Đẩy mạnh huy động và tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn trên 8,5%1. Căn cứ số liệu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016, ước thực hiện cả năm và thực tế của ngành, lĩnh vực và địa phương để xác định chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 của từng ngành, lĩnh vực và các địa phương.
2. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông và hạ tầng đô thị lớn, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền; phát triển hệ thống thủy lợi, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường,... Đầu tư phát triển cơ sở vật chất các ngành giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thông tin và truyền thông,... và các phúc lợi xã hội khác.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp theo hướng phục vụ, thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI),...
4. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch.
5. Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao trong nước, kết hợp với thu hút, trọng dụng cán bộ thực tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
6. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người có công. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tập trung giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo đúng Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm việc thực hiện các quyền của trẻ em; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên. Phát triển phong trào thể dục, thể thao, nâng cao thể chất của người Việt Nam.
8. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi hành án, nhất là các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
9. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường nắm bắt tình hình, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đảm bảo công tác quốc phòng thường xuyên, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đảm bảo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
10. Nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường hội nhập kinh tế, văn hóa trong khu vực và trên thế giới, trong đó ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm quản lý đô thị... Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước, nâng cao vị thế của Thủ đô.
11. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả. Cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình KT-XH, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí. Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
III. Nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2017
1. Đối với dự toán thu NSNN trên địa bàn
Dự toán thu NSNN năm 2017 phải được xây dựng tích cực và trên cơ sở quy định pháp luật về thu ngân sách, khả năng thực hiện thu NSNN năm 2016, dự báo các yếu tố thay đổi về năng lực sản xuất kinh doanh có tính đến các tác động của quá trình hội nhập quốc tế; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung; phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2017 theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã; từng lĩnh vực thu, từng khoản thu. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu, rà soát thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khoản thu tiền sử dụng đất đến hạn nộp,... Mở rộng cơ sở thuế, nhất là khu vực ngoài quốc doanh; kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hàng nhập khẩu.