Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 05/07/2013
Ngày có hiệu lực 05/07/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Hoàng Ngọc Đường
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 05 tháng 7 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

Năm 2014 là năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số: 13/CT-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2013 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

A. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Đẩy nhanh phát triển kinh tế đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng lãng phí.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Về phát triển kinh tế năm 2014

a) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp; Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại - dịch vụ, đầu tư XDCB. Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng (GDP) khoảng 14-15%.

- Về phát triển nông nghiệp: Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là về hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho cây Dong riềng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Về phát triển công nghiệp: Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp.

- Về phát triển dịch vụ: Đẩy mạnh phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng về du lịch, tăng cường xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, thu hút các nhà đầu tư vào khu du lịch hồ Ba Bể.

- Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Tiếp tục tăng cường các biện pháp vận động tài trợ vốn ODA, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài.

b) Thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về tiền tệ, kiềm chế lạm phát, giảm dần tỷ lệ nợ xấu.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

2. Về phát triển xã hội

a) Về an sinh xã hội: Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với 02 huyện nghèo.

Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, nhất là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

b) Về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân: Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Về phát triển giáo dục đào tạo: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

d) Về phát triển khoa học công nghệ: Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong đời sống và sản xuất: Phát triển các loại cây hồng không hạt, cam, quýt, khoai môn, dong riềng; nuôi trồng giống nấm, giống lúa thuần, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh.

đ ) Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường các thông tin chính thức một cách công khai, minh bạch kịp thời về các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

e) Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép.

3. Về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

4. Về cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại tố cáo: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Tăng cường xây dựng hệ thống chính quyền điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

[...]