Chỉ thị 14/2006/CT-UBND về tăng cường công tác giám sát, quản lý giáo dục người đang thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và thi hành án dân sự ở xã, phường, thị trấn do tỉnh Thái Bình ban hành
Số hiệu | 14/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 18/08/2006 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Bình |
Người ký | Nguyễn Duy Việt |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2006/CT-UBND |
Thái Bình, ngày 18 ngày 8 năm 2006 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, QUẢN LÝ GIÁO DỤC NGƯỜI ĐANG THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ CHO HƯỞNG ÁN TREO, CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Thực hiện Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành phạt cải tạo không giam giữ và Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, trong những năm qua các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý giáo dục đối với những người phải thi hành hình phạt tù nhưng được hưởng án treo, những người phải thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và tổ chức thi hành những bản án dân sự có giá trị tài sản phải thi hành dưới 500.000 đồng tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên qua kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan chức năng công tác thi hành án đối với các trường hợp trên ở các xã, phường, thị trấn vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót như: Một số nơi UBND xã, phường, thị trấn chưa mở sổ sách ghi chép thụ lý những việc phải thi hành án ở địa phương mình, chưa phân công cụ thể người giám sát theo dõi giáo dục người bị kết án, chưa xây dựng hồ sơ theo dõi quản lý việc cải tạo của bị án và các việc thi hành án, không thường xuyên kiểm tra báo cáo kết quả thi hành án ở địa phương với UBND cấp trên và các ngành chức năng theo quy định của pháp luật v.v.
Để đưa công tác thi hành án đối với những người bị kết án tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và thi hành những bản án dân sự có tài sản trị giá từ 500.000 đồng trở xuống ở các xã, phường, thị trấn vào nền nếp tuân thủ các quy định của pháp luật, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ trì phối hợp với ngành Tòa án nhân dân và các đoàn thể chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phải tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền thi hành án ở cấp xã, phường, thị trấn, khắc phục những thiếu sót tồn tại, chấn chỉnh và thực hiện đầy đủ các quy định về mở sổ thụ lý, lập hồ sơ theo dõi từng vụ việc theo đúng các quy định tại Nghị định số 60/2000/NĐ-CP, Nghị định số 61/2000/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 05/TT-BTP ngày 27/2/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về chuyển giao thi hành án dân sự cho UBND xã, phường, thị trấn.
2. Sở Tư pháp chỉ đạo Cơ quan thi hành án dân sự các cấp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp sổ sách, biểu mẫu, kiểm tra đôn đốc UBND xã, phường, thị trấn thực hiện công tác thi hành án dân sự theo đúng quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự và Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không khoán trắng việc thi hành án cho cơ sở, kịp thời cùng cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án ở địa phương.
3. Công an tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh và các đoàn thể chỉ đạo Công an, Tòa án nhân dân và các đoàn thể ở huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, giám sát, giúp đỡ những người phải thi hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ cư trú tại địa phương hoặc đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp như: phân công cán bộ phụ trách, lập hồ sơ theo dõi, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, thường xuyên tổ chức nhận xét đánh giá việc chấp hành hình phạt của các bị án tại cơ sở đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thử thách, thời gian chấp hành hình phạt, hoặc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt cho các đối tượng phải thi hành án ở cơ sở theo đúng quy định tại Nghị định 60/2000/NĐ-CP và Nghị định 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ.
4. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện, thành phố cung cấp sổ sách, trích lục bản án, quyết định thi hành án của người phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ cho UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp và hướng dẫn xã, phường, thị trấn cơ quan, doanh nghiệp lập hồ sơ theo dõi, quản lý các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, kịp thời kiến nghị với UBND các cấp, cơ quan thi hành án dân sự và các ngành có liên quan thực hiện đúng các quy định về quản lý, giáo dục người phải thi hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người phải thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và việc thi hành án dân sự ở cấp xã.
5. UBND huyện, thành phố chỉ đạo các ngành Tư pháp, Công an, Thi hành án Dân sự phối hợp với Tòa án nhân dân huyện, thành phố và các đoàn thể thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, từng bước đưa công tác thi hành án ở cơ sở vào nề nếp theo đúng các quy định của pháp luật, định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh, sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành có kế hoạch thực hiện cụ thể và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |