Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 60/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ

Số hiệu 60/2000/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/10/2000
Ngày có hiệu lực 14/11/2000
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 60/2000/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 2000 QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại các điều 31, 58, 59, 73 và 76 của Bộ Luật Hình sự và các điều 227, 234, 237 và 238 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

1. Hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm tạo điều kiện cho người bị phạt cải tạo không giam giữ (sau đây gọi là người bị kết án) lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục) và gia đình người đó.

2. Người bị kết án phải chấp hành hình phạt dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và gia đình người đó.

Khi người bị kết án đã chấp hành được một phần ba thời hạn cải tạo không giam giữ và có nhiều tiến bộ hoặc lập công, mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được Tòa án xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điều 58, 59 và 76 Bộ Luật Hình sự.

Điều 2.

1. Cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm hiệu quả thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

2. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm giáo dục, giúp đỡ người bị kết án sửa chữa lỗi lầm, không vi phạm pháp luật và phạm tội mới; quan hệ chặt chẽ với cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Các cơ quan, tổ chức hữu quan và cộng đồng dân cư nơi người bị kết án cư trú có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục trong việc giáo dục, giúp đỡ người đó.

Điều 3. Cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nói trong Nghị định này là:

1. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người bị kết án, nếu người đó là cán bộ, công chức, người đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;

2. Đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc tương đương trở lên, nếu người bị kết án là quân nhân, công nhân quốc phòng;

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nếu người bị kết án là người lao động làm công ăn lương;

4. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú, nếu người đó không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

Chương 2:

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ KẾT ÁN

Điều 4. Người bị kết án có nghĩa vụ:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư nơi mình cư trú;

2. Làm bản cam kết với cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục, trong đó nêu rõ nội dung quyết tâm và hướng sửa chữa lỗi lầm của mình. Bản cam kết phải có ý kiến của người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục (sau đây gọi là người trực tiếp giám sát, giáo dục);

3. Thực hiện nghiêm chỉnh bản cam kết của mình, phải tích cực sửa chữa lỗi lầm; làm ăn lương thiện và tham gia các hoạt động chung tại cộng đồng nơi mình cư trú;

4. Ghi chép đầy đủ các nội dung quy định trong sổ theo dõi và nộp cho người trực tiếp giám sát, giáo dục khi hết thời hạn cải tạo không giam giữ;

5. Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có);

[...]