Chỉ thị 13/CT-UBT-97 tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Sở, ngành đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tỉnh Cần Thơ

Số hiệu 13/CT-UBT-97
Ngày ban hành 30/05/1997
Ngày có hiệu lực 30/05/1997
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Cần Thơ
Người ký Võ Hoàng Xinh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT.UBT.97

Cần Thơ, ngày 30 tháng 05 năm 1997

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA SỞ, NGÀNH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH

Thời gian qua, thực hiện Quyết định 397/TTg ngày 07-07-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; Chỉ thị số 500/TTg ngày 25-08-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, trên địa bàn tỉnh Cần Thơ đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều Sở, ngành đã phát huy được công tác Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề do mình quản lý trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh hầu hết phát huy được tính tự chủ trong SXKD, mở rộng quan hệ quốc tế tiếp nhận thông tin, công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ tạo ra một số sản phẩm có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hình thành và phát triển nhanh, một số Sở, ngành còn nhiều lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị công nghệ lạc hậu; thiếu vốn, SXKD kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản; chấp hành chế độ kế toán, thống kê chưa nghiêm; hiện tượng lãng phí vẫn còn xảy ra. Một trong những nguyên nhận dẫn đến tình trạng như trên là cơ chế pháp lý chưa rõ ràng nhận thức về thực hiện cơ chế từng bước xóa dần cơ quan chủ quản đối với các doanh nghiệp chưa thông suốt, dẫn đến một số Sở, ngành buông lỏng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp; Mặt khác một số doanh nghiệp muốn thoát khỏi sự quản lý của Sở, ngành, dẫn đến tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong quản lý Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng như trên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và phát huy tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện quản lý Nhà nước của các Sở, ngành có hiệu quả đối với doanh nghiệp, trong khi chưa có văn bản của Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể, UBND tỉnh Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các huyện và Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tập trung thực hiện thống nhất những nội dung sau:

1- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, dặc biệt quan tâm đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Sở, ngành mình quản lý trên cơ sở nhận thức đúng, phân biệt rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp với chức năng hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế.

2- Các Sở chuyên ngành cùng Sở tổng hợp giúp đỡ UBND tỉnh: tổ chức quy hoạch xây dựng phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển ngành, lãnh thổ đã được phê duyệt; thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả; quy hoạch, bồi thường và đào tạo cán bộ quản lý, phối hợp với Ban tổ chức chính quyền đề xuất việc bổ nhiệm, thay đổi giám đốc, phó Giám đốc và kế toán trưởng Doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành; thường xuyên kiểm tra phát huy mặt tốt, uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong sản xuất kinh doanh. Khi cần thiết đề nghị UBND tỉnh tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước tại các doanh nghiệp.

3- Sở chuyên ngành trực tiếp theo dõi, tổng hợp hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành để chỉ đạo định hướng sản xuất kinh doanh và báo về UBND tỉnh theo định kỳ, quý, 6 tháng, năm. Các doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ báo cáo theo quy định gởi Sở chuyên ngành và Sở tổng hợp (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, Cục Thống kê, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường).

4- Sở quản lý chuyên ngành tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động trên địa bàn tỉnh theo qui định của pháp luật, phân cấp của Bộ chuyên ngành, của UBND tỉnh.

5- UBND tỉnh giao Sở chuyên ngành, UBND thành phố Cần Thơ, các huyện quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước song trùng theo danh sách đính kèm theo Chỉ thị này.

Chỉ thị này được triển khai đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để biết và thực hiện. Quá trình thực hiện có những khó khăn vướng mắc phát sinh, các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các huyện và các doanh nghiệp cùng phối hợp tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo và đề xuất hướng xử lý để UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

 

 

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Hoàng Xinh

 

DANH SÁCH

SỞ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Theo điểm 5 Chỉ thị số 13/CT.UBT ngày 30-05-1997 của UBND tỉnh Cần Thơ)

I. Sở công nghiệp:

1. Công ty Cơ khí điện máy Cần Thơ.

2. Công ty Xâp lắp điện Cần Thơ.

3. Công ty Rượu bia - nước giải khát Hậu Giang.

4. Công ty Bia nước giải khát Cần Thơ.

5. Công ty Nhựa Cần Thơ.

6. Công ty Liên doanh Nhựa miền Tây.

7. Công ty may Tây Đô.

8. Xí nghiệp liên doanh thuốc lá VINASA.

9. Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Cần Thơ.

10. Công ty Lâm sản.

11. Công ty Liên doanh bia Sài Gòn.

[...]
3
Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ