Chỉ thị 13/CT-BGTVT năm 2014 tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong ngành Giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 13/CT-BGTVT |
Ngày ban hành | 03/07/2014 |
Ngày có hiệu lực | 03/07/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Trương Tấn Viên |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2014 |
Thời gian qua, các cơ quan đơn vị trong ngành Giao thông vận tải đều đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đồng thời cũng đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực không để xảy ra một vụ cháy, nổ đáng tiếc nào, đó là một thành tích đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nếu nghiêm túc nhìn nhận lại thì hiện tại ở nhiều cơ quan đơn vị (Viết tắt là đơn vị) công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có lúc vẫn còn chủ quan lơi lỏng, một số đồng chí Thủ trưởng đơn vị còn chưa thường xuyên quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị, chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Việc tuyên truyền giáo dục, tinh thần kiểm tra công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa quyết liệt, triệt để; Có nơi chưa trang bị đầy đủ các phương tiện Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc có nhưng không thường xuyên kiểm tra tình trạng sẵn sàng hoạt động của các phương tiện đó, việc ôn luyện, tập dượt phương án Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các đội cứu hỏa chưa làm được thường xuyên v.v...
Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành GTVT nghiêm túc thực hiện một số biện pháp cấp bách sau:
1. Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành phải tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị các nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy; QĐ số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; QĐ số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Công điện 967/CĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng thời động viên cán bộ công chức, viên chức tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các biện pháp Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Khi xảy ra sự cố cháy nổ lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ đồng thời báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114, chính quyền địa phương và công an nơi gần nhất để ứng cứu kịp thời.
2. Thường xuyên thông qua các hoạt động để tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức cơ bản về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để thực hiện, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, không để các thế lực, phần tử xấu lợi dụng chống phá. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
3. Các cơ quan, đơn vị cần tiến hành rà soát lại các phương tiện, thiết bị Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện có ở đơn vị và lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã quá cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đồng thời phải trang bị bổ sung những phương tiện, thiết bị còn thiếu, đặc biệt lưu ý trang bị đủ cho các điểm trọng yếu như kho tàng, những điểm dễ gây cháy, nổ, các nhà bảo tàng, các phòng trưng bày hoặc lưu giữ các hiện vật, tài sản quý v.v...; phải có biện pháp bảo quản và kiểm tra thường xuyên các phương tiện, thiết bị Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm có thể sử dụng có hiệu quả ngay khi xảy ra cháy.
Những công trình xây dựng mới phải quan tâm xem xét tới mặt bảo đảm an toàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, đồng thời phải dành một phần kinh phí cho việc trang bị lắp đặt các phương tiện, thiết bị Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết.
Khẩn trương củng cố các tổ, đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị đồng thời hàng năm phải tổ chức cho các tổ, đội này diễn tập thuần thục các phương án Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể của từng đơn vị.
4. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm trực tiếp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra thực hiện công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi đơn vị mình quản lý, trước mắt cần đề ra kế hoạch triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.
5. Kịp thời khen thưởng thích đáng cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từ nay công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được coi là một mặt công tác quan trọng của mỗi đơn vị và phải là một nội dung trong báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm của các đơn vị.
6. Giao cho Văn phòng Bộ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các đơn vị trong toàn ngành, phản ánh kịp thời với lãnh đạo Bộ các sự việc đột xuất, đồng thời tập hợp tình hình về kết quả thực hiện công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hàng năm của toàn ngành.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |