Chỉ thị 13/CT-BCT năm 2012 thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 13/CT-BCT
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 17/08/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-BCT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 và số 26/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty, các Sở Công Thương khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:

1. Những nhiệm vụ cần làm ngay

1.1. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở Công Thương

a) Tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại các văn bản:

- Kết luận số 02-KL/TW ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội năm 2011;

- Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012;

- Nghị quyết số 29/2012/QH 13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân;

Các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, các Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ...

b) Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển

- Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Kế hoạch, các Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thúc đẩy, tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm góp phần tặng tiêu thụ các sản phẩm như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện… ; tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất các biện pháp giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhất là đối với những sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp khác. Cung cấp thông tin rộng rãi cho các phương tiện thông tin đại chúng để đăng tải, giới thiệu về các các công trình, dự án, nhu cầu về hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu và quảng cáo bán sản phẩm nhằm góp phần thực hiện thiết thực và hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

- Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật đối với những hàng hoá trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu về khối lượng, chất lượng và giá cả theo nguyên tắc không trái với các cam kết quốc tế, hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu; tiếp tục đề xuất và thực hiện các giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm etanol nhiên liệu;

- Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện đầu tư, các dự án trong ngành điện đã được ký kết, thúc đẩy tiến độ đàm phán đối với các dự án khác. Kết thúc việc đàm phán về cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy; đề xuất các biện pháp thu xếp vốn cho các công trình điện cấp bách cung cấp điện cho miền Nam. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư các dự án điện trong Tổng sơ đồ điện VII;

- Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan đề xuất và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện nhỏ thông qua việc điều chỉnh tăng giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; thống nhất tính toán để thanh toán tiền cho sản lượng điện đã phát lên lưới điện quốc gia trước khi hợp đồng hợp đồng mua bán điện được ký của Nhà máy DAP Đình Vũ và Nhà máy Đạm than Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và xem xét nâng giá mua điện cho ba đơn vị thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cùng hai nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phát điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

- Vụ Tài chính khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiến hành đánh giá lại tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc, làm thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;

- Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung giải quyết khẩn trương các vướng mắc nhằm đưa vào vận hành ổn định các dự án DAP Hải Phòng, Đạm than Ninh Bình, thúc đẩy các dự án đang triển khai như DAP số 2 Lào Cai, Mở rộng Đạm Hà Bắc,...

- Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tháo gỡ khó khăn cho Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Nhà máy gang thép Lào Cai về những công việc có liên quan như: Trình Chính phủ cho phép điều chỉnh Tổng mức đầu tư, làm việc với các Ngân hàng cho vay bổ sung vốn tăng thêm của dự án; thảo công thư cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, có ý kiến với Tổng thầu MCC, nhà thầu phụ... để đẩy nhanh tiến độ dự án, liên hệ với địa phương về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn thuế nhập khẩu xe ô tô chuyên dùng cho dự án, đưa mẫu quặng sắt Quý Xa ra nước ngoài để phân tích, làm cơ sở cho việc thiết kế công nghệ sản xuất thép, đôn đốc việc hoàn thiện và chạy thử có tải Nhà máy alumin Tân Rai ...; hoàn chỉnh Quy chế do Bộ Công Thương ban hành về phối hợp thăm dò, khai thác và chế biến quặng apatit theo hướng quản lý tập trung, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, ưu tiên quặng apatit cho sản xuất phân bón để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giảm nhập khẩu; hoàn chỉnh và trình Bộ phê duyệt Quy hoạch hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép; tiếp tục triển khai việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; đề xuất giải pháp kích cầu, tìm kiếm đơn hàng cho ngành cơ khí; khẩn trương xây dựng cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước cho các nhà máy nhiệt điện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các ưu đãi đối với dự án giai đoạn 2 của Sam sung tại Bắc Ninh...;

- Vụ Công nghiệp nhẹ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất với Ngân hàng Nhà nước trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ trung và dài hạn (trong vòng 3 -5 năm) cho một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ để mua lại máy móc thiết bị tiên tiến của một số nước do khủng hoảng kinh tế nên không tiếp tục sản xuất và bán với giá rẻ để doanh nghiệp đầu tư hiện đại hoá sản xuất; nghiên cứu hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, da giày, thí điểm sản xuất thử một số nguyên phụ liệu, nếu thành công sẽ nhân rộng điển hình;

- Cục Công nghiệp địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành và các địa phương thúc đẩy giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương theo chương trình khuyến công quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách trung ương đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả và đúng quy định.

- Các Sở Công Thương theo dõi sát các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, tổng hợp, đề xuất những vướng mắc của các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương giải quyết; tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giải quyết các khó khăn của các nhà đầu tư như vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề thủ tục đầu tư... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư cho sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.

c) Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường, vận động các cơ sở sản xuất và các tầng lớp nhân dân hạn chế nhập khẩu và sử dụng hàng tiêu dùng, tăng cường sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước

- Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng khẩn trương làm thủ tục trình duyệt các Đề án xúc tiến thương mại quốc gia sử dụng kinh phí được bổ sung, trong đó cần lưu ý việc xem xét và trình lãnh đạo Bộ về cơ chế đặc thù trong bối cảnh khó khăn hiện nay để các Hiệp hội ngành hàng và địa phương có thể triển khai các Đề án này trong năm 2012; chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời để tạo chỗ đứng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chủ động tổ chức các hoạt động giao thương trực tuyến để tăng cường việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, giúp giảm chi phí giao dịch; tăng cường hoạt động quảng bá và bảo hộ thương hiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài;

- Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Vụ Chính sách thương mại đa biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phương thức tiếp cận với các thị trường mới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội tận dụng triệt để ưu đãi thông qua trong giao thương với các đối tác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết;

- Các Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; chỉ đạo các tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trườn để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh. Thúc đẩy việc trao đổi và ký kết các thỏa thuận cấp chính phủ/cấp bộ về việc xuất khẩu các mặt hàng như gạo, nông sản…;

- Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan liên quan về việc thúc đẩy để chấp nhận việc xuất khẩu trả nợ Irắc thay cho Chính phủ đối với mặt hàng giấy và một số mặt hàng khác mà phía Irắc có nhu cầu như sữa, chè, văn phòng phẩm, gạo, cao su,...

- Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đánh giá hiệu quả của Quyết định số 2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu kể từ khi triển khai để đề xuất những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nếu cần thiết; kiến nghị điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đánh giá chính sách điều hành xuất nhập khẩu trong thời gian qua, nghiên cứu đề xuất cụ thể từng mặt hàng, nhóm hàng cần điều chỉnh thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tình hình hiện nay; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều hành linh hoạt sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng đường, muối; trong việc thu mua tạm trữ nông sản cho nông dân; tiếp tục các giải pháp phù hợp cam kết quốc tế nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu; nghiên cứu đề xuất với Bộ Tài chính điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế của những hàng hoá trong danh mục Việt Nam đã sản xuất được;

[...]