Thông tư 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ
Ngày ban hành 31/10/1998
Ngày có hiệu lực 15/11/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Y tế,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Lê Duy Đồng,Nguyễn An Lương,Nguyễn Văn Thưởng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ

Hà Nội , ngày 31 tháng 10 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ Y TẾ - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM SỐ 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH

Thi hành các quy định của Bộ Luật Lao động ngày 23-6-1994, Nghị định số 06/CP ngày 20-1-1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về an toàn và vệ sinh lao động và Chỉ thị số 13/1998/CT-TTg ngày 26-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới; sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI ÁP DỤNG

Đối tượng và phạm vi áp dụng là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các đơn vị sự nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) dưới đây:

- Các doanh nghiệp Nhà nước;

- Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp;

- Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân;

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG Ở DOANH NGHIỆP

1. Hội đồng bảo hộ lao động trong doanh nghiệp

1.1. Tổ chức:

Hội đồng bảo hộ lao động ở doanh nghiệp là tổ chức phối hợp và tư vấn về các hoạt động bảo hộ lao động ở doanh nghiệp và để đảm bảo quyền được tham gia và kiểm tra giám sát về bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn. Hội đồng bảo hộ lao động do người sử dụng lao động quyết định thành lập.

Số lượng thành viên Hội đồng bảo hộ lao động tuỳ thuộc vào số lượng lao động và quy mô của doanh nghiệp nhưng ít nhất cũng phải có các thành viên có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cơ sở, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, cán bộ y tế. ở các doanh nghiệp lớn cần có thêm các thành viên là cán bộ kỹ thuật,....

Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện của ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp làm Phó chủ tịch Hội đồng; trưởng bộ phận hoặc cán bộ theo dõi công tác bảo hộ lao động của doanh nghiệp là uỷ viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng.

1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

Hội đồng bảo hộ lao động ở doanh nghiệp có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a. Tham gia và tư vấn với người sử dụng lao động và phối hợp các hoạt động trong việc xây dựng quy chế quản lý, chương trình hành động, kế hoạch bảo hộ lao động và các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp.

b. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Hội đồng bảo hộ lao động tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động ở các phân xưởng sản xuất để có cơ sở tham gia vào kế hoạch và đánh giá tình hình công tác bảo hộ lao động của doanh nghiệp. Trong kiểm tra nếu phát hiện thấy các nguy cơ mất an toàn, có quyền yêu cầu người quản lý sản xuất thực hiện các biện pháp loại trừ nguy cơ đó.

2. Bộ phận bảo hộ lao động ở doanh nghiệp

2.1. Tổ chức:

Tuỳ theo đặc điểm sản xuất và tổ chức sản xuất kinh doanh (mức độ nguy hiểm) của nghề, số lượng lao động, địa bàn phân tán hoặc tập trung của từng doanh nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức phòng, ban hoặc cử cán bộ làm công tác bảo hộ lao động nhưng phải đảm bảo mức tối thiểu như sau:

+ Các doanh nghiệp có dưới 300 lao động phải bố trí ít nhất một cán bộ bán chuyên trách công tác bảo hộ lao động;

+ Các doanh nghiệp có từ 300 đến dưới 1000 lao động thì phải bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động;

+ Các doanh nghiệp có từ 1000 lao động trở lên thì phải bố ít nhất 2 cán bộ chuyên trách bảo hộ lao động hoặc tổ chức phòng hoặc ban bảo hộ lao động riêng để việc chỉ đạo của người sử dụng lao động được nhanh chóng, hiệu quả;

- Các Tổng công ty Nhà nước quản lý nhiều doanh nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm phải tổ chức phòng hoặc ban bảo hộ lao động;

Cán bộ làm công tác bảo hộ lao động cần được chọn từ những cán bộ có hiểu biết về kỹ thuật và thực tiễn sản xuất và phải được đào tạo chuyên môn và bố trí ổn định để đi sâu vào nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động.

Ở các doanh nghiệp không thành lập phòng hoặc ban bảo hộ lao động riêng thì cán bộ làm công tác bảo hộ lao động có thể sinh hoạt ở phòng kỹ thuật hoặc phòng tổ chức lao động nhưng phải được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người sử dụng lao động.

[...]