Chỉ thị 11/CT-CTUBND năm 2022 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên năm học 2022-2023

Số hiệu 11/CT-CTUBND
Ngày ban hành 30/08/2022
Ngày có hiệu lực 30/08/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Trần Quốc Văn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-CTUBND

Hưng Yên, ngày 30 tháng 8 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯNG YÊN NĂM HỌC 2022 - 2023

Năm học 2022-2023 ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo theo Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/3/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 15/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch liên quan.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố

2.1. Rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục và đào tạo bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, hoàn thành các mục tiêu được giao cho ngành Giáo dục.

2.2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác, cập nhật kịp thời chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.

2.3. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập và phối hợp thực hiện đối với bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 30/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh và bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

2.4. Rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu công tác dạy học; tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nâng cao vai trò quản trị của nhà trường và năng lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đại trà, công tác nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo các Kế hoạch của UBND tỉnh. Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2.5. Chú trọng thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đặc biệt là việc đảm bảo phòng học, trang thiết bị học tập để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đủ công trình vệ sinh, nước sạch trong cơ sở giáo dục theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025.

Theo dõi, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn, đặc biệt là đảm bảo đủ số lượng phòng học kiên cố và công trình vệ sinh, nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng của học sinh, giáo viên; gắn việc đảm bảo cơ sở vật chất trường học với việc đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tổng hợp, sơ kết tình hình thực hiện hằng năm, báo cáo UBND tỉnh.

2.6. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.

Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện hiệu quả việc xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

2.7. Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non theo Thông tư số 51/2020/TT- BGDĐT ngày 31/12/2020 về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

2.8. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đặc biệt đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11; chuẩn bị các điều kiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023.

2.9. Triển khai thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học tập liên tục. Nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

2.10. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng thực chất, hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo cảnh quan trường lớp đồng bộ, khang trang, sạch đẹp.

2.11. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học trực tuyến và công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đào tạo số tại một số cơ sở đào tạo. Triển khai hệ thống quản trị cơ sở giáo dục; đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

2.12. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh kiểm tra công tác triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục. Chú trọng nội dung thanh tra, kiểm tra về: Trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện; công tác tổ chức các kỳ thi; hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; kiểm tra công tác quản lý chất lượng, quản lý văn bằng, chứng chỉ.

2.13. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Trung ương phát động và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao nhận thức, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành. Chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng xây dựng điển hình tiêu biểu, xuất sắc có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân.

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành giáo dục.

2.14. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo từ các quốc gia phát triển, cơ sở giáo dục có uy tín được xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới.

3. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu công tác dạy học. Hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tuyển dụng đủ giáo viên trên cơ sở số lượng người làm việc được giao.

4. Sở Y tế

[...]