Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 07/07/2020
Ngày có hiệu lực 07/07/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Lào Cai, ngày 07 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT, PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc, phân tích chất lượng môi trường không khí đã được quan tâm đầu tư; công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp triển khai thực hiện đã góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vào một số thời điểm chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực như vận chuyển, khai thác khoáng sản trên đường Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 151 và nhất là tại khu công nghiệp Tằng Loỏng vào một số thời điểm tức thời các chỉ tiêu về khí thải như: Bụi, tiếng ồn... vượt Quy chuẩn cho phép; một số doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, còn để xảy ra sự cố về khí thải (nhà máy sản xuất DCP, DAP số 2..) đã làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân gây bức xúc dư luận và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Theo kết quả đánh giá trạm quan trắc khí thải tự động liên tục tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, cũng như kết quả phân tích định kỳ của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các chỉ số về môi trường không khí trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong kiểm soát. Dự báo trong thời gian tới, các hoạt động phát triển kinh tế sau dịch bệnh như: Sản xuất công nghiệp; khai thác khoáng sản; đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình, khu đô thị, cải tạo, sửa chữa đường giao thông ... có thể sẽ làm gia tăng phát sinh khí thải, bụi, tiềm ẩn nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy, để chủ động tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các nội dung, chương trình theo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016.

- Nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 3178/BTNMT-TCMT ngày 15/6/2020 về việc thực hiện kiểm soát, truyền nhận số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục.

- Chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tăng tần suất quan trắc môi trường không khí tại các khu vực, điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh; vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, trong trường hợp khi ô nhiễm môi trường không khí chạm mức nguy hại chỉ số AQI >300 thì có trách nhiệm thông báo cho UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương để có các biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế phát thải nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.

- Tham mưu công bố chỉ số chất lượng môi trường trên cổng thông tin của tỉnh hoặc của sở; đồng thời kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.

- Đôn đốc các cơ sở, sản xuất kinh doanh tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; lắp đặt bổ sung các thông số theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở sản xuất có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như KCN Tằng Loỏng, các cơ sở khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản... Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở không chấp hành hoặc cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các kiến thức quản lý chất lượng không khí, các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường không khí cho các cán bộ quản lý cấp cơ sở, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Trong quá trình xem xét, cấp phép các dự án đầu tư mới, kiên quyết không chấp nhận dự án có thiết bị, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các dự án có tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khối lượng lớn khí thải vào môi trường. Khuyến khích đầu tư đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các dự án tái chế rác thải, có công nghệ thân thiện với môi trường...

- Ưu tiên lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường (đầu tư trạm quan trắc khí thải tự động liên tục, nâng cấp thiết bị quan trắc chất lượng môi trường không khí...).

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tăng cường nguồn ngân sách cho các cơ quan quản lý về các hoạt động đầu tư trang thiết bị quan trắc, thiết bị vận hành cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu về khí thải.

- Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc không khí tự động liên tục, nhất là tại các khu vực đô thị, Khu công nghiệp...

- Huy động các nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác cho quản lý chất lượng không khí.

4. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 02 bánh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới; Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010.

- Trong quá trình quy hoạch đô thị, hạ tầng đảm bảo hiệu quả về kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, hệ thống thoát nước và xử lý rác thải phải đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi người dân, giảm chi phí do ô nhiễm, ùn tắc giao thông.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng, phế liệu không có phương án che chắn, để rơi vãi vật liệu xây dựng, phát tán bụi, tiếng ồn ra các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

- Quy hoạch, giới thiệu các vị trí đổ thải cho các dự án thi công xây dựng đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch lâu dài, tối ưu hóa về tuyến đường vận chuyển để giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường không khí.

- Chỉ đạo các nhà thầu thi công các công trình giao thông, các dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, khu đô thị trong quá trình thi công xây dựng phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, đặc biệt về bụi, khí thải và tiếng ồn như đã cam kết trong báo cáo ĐTM (hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đổ đất thải đúng vị trí đã được phê duyệt.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[...]