Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024 xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 13/08/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 08 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2026 - 2030

Bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh thời gian qua và dự báo trong những năm sắp tới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc nhưng chưa thực sự vững chắc, khó dự báo. Xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan; kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các địa phương.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn chế tác động đến phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách 05 năm giai đoạn 2021-2025 đã có những thành quả và sự tiến bộ đáng kể, tuy nhiên việc thực hiện các chỉ tiêu thu - chi ngân sách còn nhiều khó khăn do các khó khăn, thách thức trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước, và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của HĐND tỉnh; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 28/05/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị dự toán triển khai công tác xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030, cụ thể như sau:

I. YÊU CẦU CHUNG

1. Đảm bảo thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (Nghị định số 45/2017/NĐ-CP); Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm (Nghị định số 31/2017/NĐ-CP); Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/07/2017 hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm; Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND ngày 17/07/2024 của HĐND tỉnh quy định về thời gian gửi báo cáo tài chính - ngân sách, thời gian giao dự toán ngân sách hàng năm, thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp huyện, cấp xã và hệ thống biểu mẫu phục vụ lập báo cáo tài chính - ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động của UBND tỉnh; các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách).

3. Phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ giai đoạn 2026 - 2030; chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phân cấp ngân sách và quy định về định mức phân bổ chi đầu tư, thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nguyên tắc quản lý an toàn nợ công; phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

4. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030, tập trung cho tăng trưởng, đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của đất nước và của các bộ, cơ quan, địa phương.

5. Công khai, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc giao chỉ tiêu thu - chi ngân sách nhà nước; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025

Việc đánh giá tình hình thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch 05 năm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Các Sở, ban, ngành, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) và các cơ quan có liên quan tập trung phân tích, đánh giá các nội dung chủ yếu sau:

1.1. Đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2021 - 2025.

1.2. Đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm:

- Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 05 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Tổng số thu phí, lệ phí thu được; số chi từ nguồn phí để lại cho các cơ quan thu và số tiền phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.

- Tình hình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổng số chi và cơ cấu chi ngân sách của địa phương; trong đó chi tiết chi đầu tư phát triển và cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn vốn (nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương); chi thường xuyên; chi trả nợ lãi; việc cơ cấu lại chi ngân sách địa phương, số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước gắn với quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và việc sử dụng nguồn kinh phí này trong từng năm và 05 năm qua; tổng chi quỹ lương của địa phương và nguồn cải cách tiền lương.

- Tình hình bội chi ngân sách địa phương từng năm và bình quân 05 năm 2021 - 2025; quy mô huy động của địa phương từng năm và 05 năm, chi tiết theo nguồn vốn huy động, theo mục đích sử dụng; nợ chính quyền địa phương thời điểm cuối các năm và cơ cấu dư nợ theo nguồn vốn; huy động (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; vay ngân quỹ nhà nước; vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; vay ngân hàng thương mại và vay khác); việc chi trả nợ gốc và nguồn chi trả nợ gốc từng năm và 5 năm qua.

1.3. Việc thực hiện các quy hoạch của địa phương gắn với kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.

1.4. Đánh giá thực hiện cần tập trung lưu ý làm rõ về các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính gắn với các kết quả, hiệu quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình/đề án/nhiệm vụ cụ thể tại địa phương. Trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

2. Lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030

2.1. Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2026 - 2030.

2.2. Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch.

2.3. Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành; bao gồm:

[...]