Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2024 về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 18/CT-TTg
Ngày ban hành 28/05/2024
Ngày có hiệu lực 28/05/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2026 - 2030

Bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước thời gian qua và dự báo trong những năm sắp tới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác, hội nhập quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo, song xung đột, đối đầu, cạnh tranh các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu chưa thực sự vững chắc, còn nhiều rủi ro. Xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan; kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với mọi quốc gia.

Ở trong nước, thế và lực của đất nước ngày càng được củng cố. Chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định vẫn là nền tảng quan trọng. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng tác động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, để thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt ra đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải có tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao ở tất cả các ngành, các cấp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi tắt là bộ, cơ quan trung ương), các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các địa phương) triển khai công tác xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030 như sau:

I. YÊU CẦU CHUNG

1. Đảm bảo thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (Nghị định số 45/2017/NĐ-CP); Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm (Nghị định số 31/2017/NĐ-CP), cơ chế đặc thù đối với các địa phương theo quy định và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII, chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tài liệu dự kiến trình Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2026 - 2030 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, nợ công).

3. Phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thế giới, khu vực và thực tế triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ, các yêu cầu giới hạn an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2026 - 2030; chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phân cấp ngân sách và quy định về định mức phân bổ chi đầu tư, thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nguyên tắc quản lý an toàn nợ công; phát huy tính tự lực, tự cường của các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị.

4. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030, tập trung cho tăng trưởng, đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của đất nước và của các bộ, cơ quan, địa phương.

5. Công khai, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc giao chỉ tiêu thu - chi ngân sách nhà nước; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025

Việc đánh giá tình hình thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; các Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch 5 năm; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các kế hoạch 05 năm địa phương; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chiến lược trong lĩnh vực tài chính, nợ công, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia, phát triển các thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm,...) đến năm 2030; những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Trong tổ chức thực hiện đánh giá kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các cơ quan có liên quan tập trung phân tích, đánh giá các nội dung chủ yếu sau:

a) Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025:

(1) Bối cảnh triển khai các nhiệm vụ, những yếu tố thuận lợi, thách thức trong tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, các yếu tố khách quan (dịch bệnh, xung đột,...) có tác động đến lĩnh vực tài chính - ngân sách;

(2) Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.

(3) Trên cơ sở tình hình thực hiện các năm giai đoạn 2021 - 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, gồm:

- Thu, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (theo lĩnh vực, theo sắc thuế và phân cấp); tính bền vững của nguồn thu, cơ cấu ngân sách nhà nước, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

- Chi, cơ cấu chi ngân sách theo lĩnh vực chi đầu tư phát triển (việc đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi dự trữ quốc gia,...; theo chức năng kinh tế trong ngành, lĩnh vực và phân cấp ngân sách nhà nước.

- Việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội[1].

- Bội chi ngân sách nhà nước;

- Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia;

- Huy động vốn vay trong và ngoài nước;

- Phát triển thị trường và dịch vụ tài chính;

- Công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước;

- Việc thực hiện các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

[...]