Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2021 về Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 55/NQ-HĐND
Ngày ban hành 21/12/2021
Ngày có hiệu lực 21/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Hoàng Thị Thúy Lan
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 334/BC-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch tài chính 05 năm tnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách tài chính của tỉnh theo hướng ngân sách cấp tỉnh giữ vai trò chủ đạo, tăng cường phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho ngân sách cấp dưới và đơn vị sử dụng ngân sách; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách địa phương, nợ chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là 171.163 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn tăng bình quân đạt 6-8%/năm; Tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tốc độ tăng thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất) bình quân giai đoạn là 6,6% /năm. Trong đó:

- Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: tăng bình quân 7,3%/năm;

- Thu từ khu vực ngoài quốc doanh: tăng bình quân 5,7%/năm;

Thuế thu nhập cá nhân: tăng bình quân 7%/năm;

- Thu phí trước bạ: tăng bình quân 6,3%/năm.

b) Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 95.414 tỷ đồng. Sau khi cân đối, bố trí chi từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất, tiết kiệm chi, dự phòng, kết dư, cải cách tiền lương... (dự kiến phấn đấu tăng thêm 20.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển) thì tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 45-50% tổng chi ngân sách địa phương; tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 50-55% tổng chi ngân sách địa phương; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ các khoản vay.

Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trong dự toán chi ngân sách địa phương hằng năm.

c) Phấn đấu đến năm 2025 có từ 2-3 huyện, thành phố tự cân đối được thu, chi ngân sách.

d) Bảo đảm an toàn nợ chính quyền địa phương, với mục tiêu: Dư nợ công của tỉnh hằng năm không quá 30% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm)

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

a) Về thu ngân sách nhà nước: Tập trung tổ chức, chỉ đạo thu với phương châm tích cực nhất, thường xuyên đánh giá phân tích tình hình thu trên tất cả các lĩnh vực, các sắc thuế từ đó có các giải pháp cụ thể để quản lý, chỉ đạo và tham mưu có hiệu quả. Quản lý chặt chẽ mọi nguồn thu, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức quản lý thu trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ trọng thu nội địa cao, phù hợp với sự phát triển của tỉnh; giảm tỷ trọng các khoản thu từ xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước.

b) Về chi ngân sách nhà nước: Tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; Bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và chi cho quốc phòng, an ninh, các chính sách do địa phương và Trung ương ban hành địa phương đảm bảo nguồn. Bố trí cho chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề và sự nghiệp khoa học và công nghệ không thấp hơn dự toán Trung ương giao.

c) Thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra). Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn tài chính của tỉnh.

d) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước, sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp; không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách.

[...]