Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 106/NQ-HĐND năm 2020 về Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 106/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Hồng Quảng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Xét Tờ trình số 143/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc quyết định Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững, huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công đảm bảo an toàn, bền vững. Đẩy mạnh đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công. Phấn đấu thực hiện tăng thu ngân sách vững chắc, thực hiện quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, chống lãng phí, ưu tiên cho chi đầu tư phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư, khuyến khích từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, phát triển sản xuất kinh doanh tạo giá trị tăng thêm và tạo các nguồn thu bền vững. Chú trọng hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Quản lý và từng bước giải quyết nợ xây dựng cơ bản. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là 96.162 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn là 3,1%/năm. Tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 70% tổng thu ngân sách nhà nước, tốc độ tăng thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất) bình quân giai đoạn là 6%/năm.

b) Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021-2025 là 80.804 tỷ đồng, trong đó:

Chi đầu tư phát triển là 18.929 tỷ đồng, tỷ lệ bình quân là 23,4% so với tổng chi ngân sách địa phương, trong đó nếu loại trừ yếu tố chi đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung thì tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương là 18,6% so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương.

Chi thường xuyên là 46.621 tỷ đồng, tỷ lệ bình quân là 57,7% so với tổng chi ngân sách địa phương.

Chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay là 12 tỷ đồng

Chi tạo nguồn, điều chỉnh tiền lương là 12.127 tỷ đồng.

c) Chênh lệch thu, chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là - 220,9 tỷ đồng, trong đó:

Trả nợ gốc tiền vay là 111,37 tỷ đồng;

Vay từ nguồn vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài là 332,27 tỷ đồng.

d) Đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn; thu vào ngân sách nhà nước khoảng 32 tỷ đồng.

e) Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có 20% đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính.

(Chi tiết theo biểu đính kèm)

3. Định hướng

a) Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Bảo đảm tỷ trọng thu nội địa không thấp hơn mục tiêu đề ra. Tăng tỷ trọng thu nội địa, đặc biệt là thu từ thuế, phí. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước.

[...]