Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 04/05/2020
Ngày có hiệu lực 04/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Gia Lai, ngày 04 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2015 Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 148/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện các chỉ tiêu đạt được giai đoạn 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm 2016-2020, Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm 2016-2020, trong bối cảnh thế giới có những yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỉnh ta cũng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản giảm, an ninh trật tự tiềm ẩn những yếu tố phức tạp... Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm 2016-2020 đã đề ra, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong khi đó kinh tế trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025 là rất nặng nề. Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo; thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND các huyện, thị xã, thành phố gọi tắt là địa phương) và các doanh nghiệp nhà nước (gọi tắt là doanh nghiệp) tập trung triển khai các nội dung sau:

I. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025.

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020:

Các sở, ban, ngành, và địa phương, doanh nghiệp đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý theo thẩm quyền; trong đó, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh số 148/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015, Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 148/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X- kỳ họp thứ 11 về tình hình thực hiện các chỉ tiêu đạt được giai đoạn 2011- 2015; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm 2016- 2020 của tỉnh; đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ được các thành tựu nổi bật của giai đoạn 2016-2020), các yếu kém, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục cho giai đoạn tới, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

1.1. Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng phát triển đề ra, các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch.

1.2. Tình hình thực hiện chủ trương, chính sách tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó tập trung:

a) Phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế theo ngành, lĩnh vực trọng tâm (cấp tỉnh), phân tích chất lượng phát triển của các ngành sản xuất (cấp huyện).

b) Thực hiện cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực và ở từng địa phương (đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, khu vực công:..); khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ yếu, chủ lực (phân tích cho từng sản phẩm chủ yếu, chủ lực); việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, nước, du lịch...

c) Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; năng lực sản xuất tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020.

1.3. Tình hình thực hiện các đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới giáo dục đào tạo gắn với phát triển, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, thủy lợi, năng lượng, thương mại, giáo dục, y tế...).

1.4. Tình hình và kết quả thực hiện các cân đối về thu chi ngân sách nhà nước; xuất nhập khẩu; nợ chính quyền địa phương.

1.5. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển, như: vốn ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; vốn đầu tư của doanh nghiệp; vốn từ khu vực dân cư; vốn đầu tư từ khu vực tư nhân; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn huy động khác.

1.6. Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, như: công tác bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tạo việc làm; thông tin, văn hóa; thể dục thể thao; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; phòng, chống tệ nạn xã hội, nạn tin giả; phòng, chống cháy nổ;...

1.7. Tình hình thực hiện công tác quy hoạch và phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển đô thị; chương trình phát triển nhà ở; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với cấp huyện đánh giá nhiệm vụ quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương mình.

1.8. Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

1.9. Tình hình thực hiện nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, an toàn không gian mạng và trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.

1.10. Tình hình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tình hình thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện và xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp và tinh gọn bộ máy; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;...

1.11. Kết quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Căn cứ đặc điểm, tình hình và lĩnh vực, địa bàn quản lý, các sở, ban, ngành và địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu cho phù hợp và đầy đủ với tình hình của đơn vị và địa phương.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới những năm tới sẽ tiếp tục diễn biến hết sức khó lường. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thách thức về an ninh; những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt là đại dịch Covid 19...; cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt... là những yếu tố có tác động tới phát triển kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Đối với tỉnh ta, kế thừa những thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm từ thực tiễn, tranh thủ tối đa tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo; khai thác có hiệu quả Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và các tuyến đường: Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, Quốc lộ 14, 19; phát triển mạnh du lịch gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương; phối hợp, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, với cả nước và quốc tế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là những nhân tố thuận lợi cơ bản trong thời gian đến. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ đó là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế còn thấp, chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng còn khá lớn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Tất cả những yếu tố nói trên sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, ra sức phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để hội nhập, phát triển, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là thành phố Pleiku và các khu vực có khả năng phát triển cao để thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương trong toàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế. Xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV).

[...]