Nghị quyết 224/NQ-HĐND năm 2019 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 224/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2019
Ngày có hiệu lực 12/12/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Trịnh Văn Chiến
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 145/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét Tờ trình số 252/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 518/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2019

1. Kết quả đạt được

Năm 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước đến nay, đạt tới 17,15%; sản xuất nông nghiệp mặc dù bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nhưng vẫn tăng trưởng khá; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt; công nghiệp tăng trưởng cao; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá; (2) tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán; huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao so với cùng kỳ; (3) môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế được tăng cường; các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư mới tăng cao so với cùng kỳ; (4) lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước về kết quả thi Olympic quốc tế; đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội (5) công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực; đã chủ động, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu; (6) đã triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo công tác sắp xếp bộ máy các sở, ngành, địa phương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; (7) an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

2. Những hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện; tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; còn 02 chỉ tiêu chủ yếu Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị không hoàn thành kế hoạch. Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng, chưa được khống chế, kiểm soát, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn; thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đầu tư, các dự án được ký kết ghi nhớ còn chậm, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là khâu yếu trong triển khai thực hiện dự án. Hoạt động khai thác tài nguyên trái phép còn diễn ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để; việc quản lý, sử dụng đất còn bất cập, lãng phí, sai mục đích, nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng triển khai chậm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh các sản phẩm của các doanh nghiệp chưa cao; công tác tiếp nhận xử lý và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại một số sở, ngành, địa phương còn chậm. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thiếu tính ổn định và chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương chậm được giải quyết; nợ bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp còn lớn; nguồn cung lao động trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đơn thư kiếu kiện gia tăng, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; tội phạm ma túy diễn biến phức tạp.

Điều 2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát ưiển, tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong năm 2020, góp phần hoàn thành vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tính lần thứ XVIII; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,5% trở lên, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 16% trở lên (công nghiệp tăng 18,6% trở lên; xây dựng tăng 11% trở lên); dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 21,4% trở lên.

- Cơ cấu các ngành trong nền kinh tế: Nông nghiệp chiếm 10%, công nghiệp - xây dựng 49,3%, dịch vụ 31,5%, thuế sản phẩm 9,2%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 2.670 USD trở lên.

- Sản lượng lương thực giữ mức 1,50 triệu tấn.

- Tổng giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.

- Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 157.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 28.967 tỷ đồng.

- Thêm 02 huyện, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.

[...]