Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2013 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 03/07/2013
Ngày có hiệu lực 03/07/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Khang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 03 tháng 7 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

Năm 2014 là năm thứ tư thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX và là năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhằm tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức để góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, hài hòa các mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 với những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

A. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013 gắn với chuyển dịch mạnh mẽ, đồng bộ cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp và thương mại dịch vụ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình trọng điểm; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục tăng cường và mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Về phát triển kinh tế năm 2014 phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau

a) Đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 -2020. Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,0 - 10,5%.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh. Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, khắc phục tình trạng bố trí phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Tiếp tục tăng cường các biện pháp thu hút nguồn vốn ODA; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

b) Góp phần thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường.

2. Về phát triển xã hội

a) Về an sinh xã hội:

- Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm. Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện lao động, an toàn, bảo hộ lao động; nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, nhất là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

b) Về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Về phát triển giáo dục đào tạo

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa học tập; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, liên kết đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cũng như chất lượng phổ cập giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đẩy mạnh sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

d) Về phát triển khoa học công nghệ

Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ cao; phát triển dịch vụ tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ và thị trường khoa học công nghệ; tăng cường quản lý bảo hộ sở hữu trí tuệ.

đ) Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao. Tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao; hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường các thông tin chính thức một cách công khai, minh bạch, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng của các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản.

e) Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho thanh niên. Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng và phát triển hình mẫu gia đình văn minh, hạnh phúc. Từng bước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến về giới trong đời sống xã hội.

g) Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; nhất là tình trạng khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và những tiêu cực trong y tế, giáo dục.

[...]