Chỉ thị 09/2008/CT-TTg về tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 09/2008/CT-TTg
Ngày ban hành 28/02/2008
Ngày có hiệu lực 28/02/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 09/2008/CT-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LẬP VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Thực hiện Chỉ thị số 19/2003/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lập quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp thiết thực trong việc quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Công tác lập và quản lý xây dựng đô thị có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập: chất lượng công tác quy hoạch xây dựng còn thấp, chưa bảo đảm tính dự báo và khả thi dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần; nội dung đồ án quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xây dựng theo quy hoạch; việc công khai và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện nghiêm túc; các khu đô thị mới phần lớn được đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, thiếu các công trình dịch vụ hạ tầng xã hội; nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển; việc phối hợp giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng thiếu thống nhất, đồng bộ.

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Bộ Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát nội dung và quy trình thực hiện công tác lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng để kiến nghị điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng kịp thời phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị; tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm công tác quy hoạch và quản lý xây dựng ở các địa phương các nội dung trên;

b) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương việc quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương;

c) Khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I năm 2008;

d) Tổ chức các lớp đào tạo trong nước và quốc tế về bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng; bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng;

d) Tổ chức Hội nghị quy hoạch và phát triển đô thị trong quý III năm 2008 để đánh giá thực trạng, bất cập, chồng chéo giữa các loại quy hoạch, đề xuất những giải pháp khắc phục;

e) Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị bảo đảm khắc phục những tồn tại trong công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Ưu tiên dành các nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm, triển khai các dự án đầu tư, cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất hoặc cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng;

b) Tăng cường biên chế và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý quy hoạch ở các cấp đặc biệt là cấp huyện; thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng;

c) Tổ chức quản lý thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp: ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; tổ chức công bố và công khai các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện; lập, xét duyệt hồ sơ và đưa chỉ giới quy hoạch ra ngoài thực địa; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng;

d) Thành lập, bố trí địa điểm và nguồn kinh phí hoạt động cho các trung tâm dữ liệu thông tin về quy hoạch trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS), thiết lập sa bàn (mô hình) theo đồ án quy hoạch xây dựng và tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng;

d) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, giấy phép xây dựng bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường;

e) Xử lý kiên quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy quản lý đô thị theo đúng hướng tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính chủ động cho chính quyền đô thị các cấp; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý đô thị.

Công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển đất nước và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, theo dõi và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ: Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, CN (8b). A. 330

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng