Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2019 về phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 13/CT-TTg |
Ngày ban hành | 20/05/2019 |
Ngày có hiệu lực | 20/05/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe...
Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng chính sách bảo vệ môi trường còn chưa được kết hợp chặt chẽ; lồng ghép hợp lý với nhau. Cơ chế quản lý và giám sát phát triển bền vững chưa được thiết lập rõ ràng và có hiệu lực. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực xã hội chưa thực sự chú trọng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Thực hiện vai trò đầu mối, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành và địa phương và các tổ chức liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
b) Trong năm 2019, xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.
c) Theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội hằng năm.
d) Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững gắn với việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ và huy động các nguồn lực quốc tế cho thực hiện phát triển bền vững.
đ) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chỉ thị này.
2. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Gấp rút hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch/Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong năm 2019.
b) Bố trí đầu mối và cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về phát triển bền vững, trong đó cần tránh tăng bộ máy và biên chế nhưng vẫn đảm bảo công tác triển khai và phối hợp với các bên liên quan trong thực hiện phát triển bền vững.
c) Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tổ chức các diễn đàn, đối thoại về phát triển bền vững.
d) Lồng ghép hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các cấp, các ngành và địa phương.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
đ) Nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Triển khai mạnh mẽ Chương trình truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
e) Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
g) Chậm nhất ngày 31 tháng 12 hằng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội.
3. Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh:
a) Tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
b) Hằng năm, lựa chọn ít nhất một vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển bền vững để tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành.
4. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các đoàn thể:
a) Tăng cường giám sát các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện phát triển bền vững. Chú trọng phản biện các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững; vận động, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành, địa phương.
b) Tích cực huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.