Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2018 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 17/05/2018 |
Ngày có hiệu lực | 17/05/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Định |
Người ký | Hồ Quốc Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Bình Định, ngày 17 tháng 5 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Thời gian qua công tác triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả khả quan. Thông qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp đã tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia thực hành các nội dung về dân chủ theo quy định. Nhờ đó, đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, nhất là chính quyền cơ sở; tác động đến hiệu quả, chất lượng công việc trong bộ máy nhà nước, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên, sâu rộng; việc xây dựng và thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, không tổ chức đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động hoặc có tổ chức cũng chỉ mang tính hình thức, không đầy đủ nội dung; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; dân chủ chưa đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương; còn tình trạng lợi dụng dân chủ, xem thường kỷ cương pháp luật, gây rối trật tự công cộng ở một số địa phương; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện có lúc, có nơi chưa được chú trọng, thường xuyên. Người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế dân chủ theo quy định. Vẫn còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa thật sự gương mẫu, chưa hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; còn để xảy ra việc người dân lợi dụng dân chủ, có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa phương.
Để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 29/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là cấp huyện) tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung nhiệm vụ như sau:
1. Đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng hệ thống các văn bản chỉ đạo, nhằm nâng cao, tạo chuyển biến về mặt nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đối với công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bao gồm: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 và Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 29/3/2018 và Công văn số 53-CV/TU ngày 14/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 29/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung các quy định về thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ, đảm bảo phù hợp, thiết thực và hiệu quả đối với từng loại hình cơ sở; theo đó, tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
a. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, đổi mới việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong nội bộ các cơ quan, đơn vị và trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan bằng các quy định cụ thể, theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, vai trò chỉ đạo điều hành của cơ quan, sự phối hợp của các đoàn thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị và đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng của việc thực hiện quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp tiến hành sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện nội quy, quy chế hoạt động, thỏa ước lao động cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành đối với từng loại hình doanh nghiệp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
c. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân; chú trọng công tác thu thập thông tin, nắm tình hình và dư luận trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; thường xuyên tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài và không để phát sinh “điểm nóng”; thực hiện việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hương ước, quy ước của thôn, khu phố đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã, phát huy vai trò của tổ tự quản, tổ hòa giải trong việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư.
3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã gắn quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo nội dung Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/10/2016 của Tỉnh ủy; chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc các quy định về giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho công dân, tổ chức.
4. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, địa phương đối với việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kịp thời báo cáo đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
5. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy chế dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về kết quả thực hiện quy chế dân chủ; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng, nêu gương điển hình những cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong triển khai thực hiện.
7. Giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
|
CHỦ TỊCH |