Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 06-NT năm 1970 hướng dẫn Quyết định 119-CP về bảo đảm thời gian lao động của công nhân, viên chức trong ngành nội thương do Bộ Nội thương ban hành

Số hiệu 06-NT
Ngày ban hành 28/01/1970
Ngày có hiệu lực 12/02/1970
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội thương
Người ký Hà Uyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 1970 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 119-CP NGÀY 19 THÁNG 07 NĂM 1969 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM THỜI GIAN LAO ĐỘNG CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG

Kính gửi  :

- Các đồng chí giám đốc, trưởng ty thương nghiệp  và giám đốc sở ăn uống, phục vụ Hà Nội;
- Các đồng chí cục trưởng các cục kinh doanh;
- Các đồng chí thủ trưởng các vụ, cục, ban, phòng trực thuộc;
- Các đồng chí hiệu trưởng trường thương nghiệp trung ương và các trường trung học trực thuộc Bộ

Ngày 19 tháng 07 năm 1969, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 119-CP về một số biện pháp bảo đảm thời gian lao động của công nhân, viên chức Nhà nước. Tiếp đó ngày 22 tháng 10 năm 1969 Bộ Lao động đã ra Thông tư số 11-TT/LĐ và phụ lục đính kèm giải thích và hướng dẫn chung các ngành thực hiện quyết định trên. Toàn thể cán bộ, nhân viên ngành nội thương đều có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định đó.

Hoạt động lưu thông phân phối của ngành gắn rất chặt với thị trường, với đời sống xã hội và sinh hoạt của công nhân, viên chức, cho nên còn có vấn đề đặt ra là vừa bảo đảm thời gian lao động của nhân viên thương nghiệp, đồng thời phải bảo đảm thời gian lao động của xã hội, và ngược lại bảo đảm thuận tiện để góp phần tăng năng suất lao động xã hội, đồng thời phải bảo đảm nhân viên thương nghiệp có năng suất cao, có đủ sức khoẻ và điều kiện phục vụ rất lâu dài.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Bộ ra thông tư này giải thích và hướng dẫn thêm việc bảo đảm thời gian lao động của công nhân, viên chức trong ngành như sau :

A. NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ BẢO ĐẢM THỜI GIAN LAO ĐỘNG CỦA NHÂN VIÊN THƯƠNG NGHIỆP

1. Đề phù hợp với hoạt động thị trường, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống xã hội, thuận tiện cho việc mua hàng của công nhân, viên chức Nhà nước, nhân viên thương nghiệp (công tác ở mậu dịch quốc doanh cũng như hợp tác xã mua bán huyện) áp dụng nhiều chế độ thời gian làm việc khác nhau dưới đây :

a) Chế độ làm thường xuyên 8 giờ một ngày theo giờ hành chính (do Phủ Thủ tướng và Uỷ ban hành chính tỉnh quy định). Chế độ này áp dụng chung cho nhân viên văn phòng như cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính quản trị (trừ cấp dưỡng, giữ trẻ). Tuy nhiên, văn phòng của các đơn vị trong ngành đều mang tính chất hành chính kinh tế cho nên những nhân viên này, ngoài giờ hành chính còn có nghĩa vụ sẵn sàng tiếp ứng để phục vụ kịp cho các khâu trực tiếp kinh doanh, sản xuất khi cần thiết, nhất là trong các giờ cao điểm về bán ra và thu mua trong thời vụ thu hoạch rộ.

b) Chế độ làm thường xuyên 8 giờ một ngày không theo giờ hành chính.

Chế độ này áp dụng chủ yếu cho nhân viên sản xuất, chế biến trong các xí nghiệp, xưởng sản xuất. Thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc do giám đốc, xưởng trưởng đề nghị, thủ trưởng cấp trên trực tiếp quyết định căn cứ vào tính chất và điều kiện sản xuất cụ thể. Ngoài ra còn áp dụng cho cấp dưỡng, giữ trẻ, lao công tạp vụ… và cho cả nhân viên bán hàng ở các điểm bán lẻ, mở cửa dưới 8 giờ 1 ngày không chia ca kíp và hàng tuần đóng cửa một ngày.

c) Chế độ làm 48 giờ một tuần không cố định mỗi ngày 8 giờ.

Chế độ này áp dụng chung cho nhân viên bán hàng, nhân viên chạy bàn, bán vé, phục vụ buồng… công tác ở các cửa hàng, quán trọ, khách sạn mở cửa liên tục suốt ngày, hàng tuần không nghỉ chủ nhật và làm việc theo ca kíp. Trên cơ sở giờ giấc mở cửa hợp lý do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành quy định, cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm bố trí thời gian biểu làm việc cụ thể hàng tuần cho mỗi người, trong đó :

- Có ngày làm việc 8 giờ, có ngày hơn 8 giờ (ngày lễ, ngày phiên chợ…) có ngày giảm xuống 8 giờ để bù lại (tuỳ theo tình hình hàng hoá và thị trường), nhưng cộng chung phải đủ 48 giờ mỗi tuần;

- Ngày nghỉ hàng tuần của mỗi người không nhất thiết là chủ nhật mà luân phiên nhau nghỉ xen kẽ lần lượt tất cả các ngày trong tuần;

- Thời điểm bắt đầu và kết thúc ca làm việc của những nhân viên này có thể thống nhất nhưng cũng có thể so lệch nhau, nghĩa là có người đi sớm làm trước và về trước, người đi muộn làm sau và về sau (sẽ có văn bản riêng nói rõ hơn và hướng dẫn thực hiện về chế độ đi làm việc so lệch này).

d) Chế độ khoán việc, có việc lúc nào làm lúc đó, việc đến giờ nào làm giờ đó, không cố định thời gian làm việc trong ngày hoặc trong tuần.

Chế độ này áp dụng cho nhân viên thu mua, thủ kho, điều vận, áp tải, lái xe, nhân viên công tác trên tàu, thuyền, bè máng… Đặt ra chế độ này là xuất phát từ tính chất và yêu cầu công tác của những nhân viên đó, song phải thấy anh chị em sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, khi phân công cần tính toán khối lượng cho vừa phải bảo đảm xen kẽ có thì giờ nghỉ ngơi, và những khi rảnh việc, chờ việc không đặt vấn đề huy động đi làm thêm việc khác.

Riêng đối với thủ kho nhất là ở các kho bán buôn thì có thể ấn định một số giờ xuất nhập chính trong ngày để bớt bị động và thủ kho có thì giờ tương đối ổn định làm nhiệm vụ bảo vệ kho và nghỉ ngơi.

2. Để kiểm soát sự có mặt của nhân viên thương nghiệp trong giờ làm việc quy định nói trên, thủ trưởng đơn vị cần căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi làm việc mà áp dụng những hình thức theo dõi dưới đây :

- Những trại, xưởng lớn ra vào bằng một cửa, có nhân viên bảo vệ chuyên trách thì có thể áp dụng hình thức treo thẻ hoặc lật thẻ như xí nghiệp công nghiệp.

Những nơi khác không có điều kiện trên thì áp dụng chấm công đầu giờ làm việc tức là sau thời điểm bắt đầu làm việc 5 phút tổ trưởng chuyên môn chấm công ngay, có mặt ai cứ chấm công người đó. Người đến muộn sẽ chấm bổ sung sau khi báo cáo rõ lý do và nhận làm bù hoặc trừ vào ngày nghỉ về số giờ đi chậm.

- Đối với nhân viên lưu động hoặc hay đi công tác dài ngày thì áp dụng “đi báo việc, về báo công” kết hợp đối chiếu với sổ ghi lịch trình công tác hoặc giấy đi đường để kiểm soát thời gian làm việc thực tế.

Ngoài ra, hàng tháng các tổ cũng như toàn đơn vị phải tổng kết và thông báo công khai về tình hình ngày công, giờ công của từng người và chung của đơn vị để mọi người cùng biết và giám sát đấu tranh phê bình giáo dục lẫn nhau; đối với những trường hợp cố ý hoặc vi phạm có hệ thống thì phải xử lý và thi hành kỷ luật theo quy định hiện hành.

3. Thời gian lao động tiêu chuẩn (8 giờ một ngày hoặc 48 giờ một tuần) của các nhân viên thương nghiệp được phân phối sử dụng vào các việc như sau :

a) Thời giờ làm công tác chuyên môn : bao gồm cả thời giờ thực tế làm việc, giờ họp bàn riêng về công tác chuyên môn và nghỉ cần thiết vì nhu cầu tự nhiên (đại, tiểu tiện, uống nước).

Riêng đối với nhân viên bán hàng, thời giờ này còn bao gồm giờ làm các công tác chuẩn bị và kết thúc (như chuẩn bị hàng hoá, sổ sách, vé phiếu tem lẻ, tiền lẻ trả lại trước giờ làm việc và kế toán sổ sách, kiểm kê giao nộp tem phiếu, tiền, séc, lập báo cáo bán hàng, bàn giao ca sau khi đóng cửa hàng) và giờ gián đoạn (do có hàng nhưng không có khách hoặc ngược lại có khách nhưng thiếu hàng, thiếu công cụ, nhân viên phải ngừng bán để đi lấy thêm hàng hoá, vật liệu bao gói, dụng cụ).

b) Thời giờ làm các việc cần thiết có chế độ ngoài công tác chuyên môn gồm hội họp sơ tổng kết thi đua, sinh hoạt chính trị, học tập tại chức, huấn luyện quân sự, làm công tác Đảng, đoàn thể của cán bộ kiêm chức, cho con bú, vệ sinh kinh nguyệt của nữ công nhân, viên chức và một số việc cần thiết khác như khám chữa bệnh, lĩnh lương, thanh toán phụ cấp, gặp cán bộ phụ trách chuyên môn để báo cáo việc theo chế độ chung của công nhân, viên chức đã được Nhà nước quy định.

[...]