Chỉ thị 06/CT-UBND về tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/02/2017 |
Ngày có hiệu lực | 10/02/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Nguyễn Thành Long |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 10 tháng 02 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Năm 2017 là năm đầu triển khai Luật Ngân sách nhà nước (mới) năm 2015, là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020 và là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2015-2020; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 về phê chuẩn phương án phân bổ ngân sách năm 2017. Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2017 tạo đà cho các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Về tổ chức quản lý và điều hành thu ngân sách nhà nước:
Trong điều kiện giá dầu được dự báo tiếp tục ở mức thấp so với dự toán sẽ tác động mạnh đến khả năng thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu:
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Đánh giá những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan trong công tác thu ngân sách năm 2016 để xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ thu cho từng bộ phận, từng cá nhân và tổ chức thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2017 đã được Trung ương và HĐND tỉnh giao; trong đó, tập trung phấn đấu thu vượt các khoản thu nội địa, thu sự nghiệp, thu phí, lệ phí, các khoản thu được để lại chi v.v... đồng thời chủ động nghiên cứu đề xuất huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn tài chính hợp pháp khác theo lợi thế của ngành để giảm áp lực chi từ ngân sách.
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và vững chắc.
- Tăng cường thực hiện có hiệu quả các chính sách về ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn, tín dụng đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan theo hướng cao nhất. Kịp thời giải đáp các vướng mắc, kiến nghị nhằm giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
- Các sở, ngành và các địa phương rà soát các khoản thu phí, giá dịch vụ hiện chưa thu hoặc đã thu nhưng chưa đủ bù đắp chi phí để đề xuất ban hành chế độ thu nhằm góp phần giảm gánh nặng chi tiêu từ ngân sách như: Phí nước thải chuyển sang giá dịch vụ thoát nước theo Quy định tại Nghị định sô 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016; Phí sử dụng lề đường, vỉa hè để sản xuất kinh doanh, đặt quảng cáo, trông giữ xe; giá vé vận tải khách tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và giá nước máy trên địa bàn huyện Côn Đảo.
b) Giao Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:
- Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 của Chính phủ.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp đôn đốc thu, nộp ngân sách theo quy định nhằm phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN và thu ngân sách địa phương (NSĐP).
- Rà soát, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn, nhất là tình hình thu nộp của các doanh nghiệp có số thu lớn, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhưng hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ có trụ sở ngoài tỉnh, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm doanh thu phát sinh giữa các địa phương (tỉnh, thành phố), các khoản thu có liên quan đến dầu, khí để xác định đúng tính chất nội dung kinh tế; phối hợp với Kho bạc Nhà nước hạch toán đúng các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách.
- Các khoản giảm thu do thực hiện các chính sách thuế mới cần được theo dõi, thống kê báo cáo kịp thời về UBND tỉnh trình Bộ Tài chính để được xem xét hỗ trợ theo quy định.
c) Giao cơ quan Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức hạch toán đầy đủ, chính xác và kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, nhất là việc hạch toán điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách theo quy định mới kể từ năm 2017; chủ trì, phối hợp với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Định kỳ thực hiện rà soát, phân loại các khoản tạm thu, tạm giữ chờ xử lý nhằm kịp thời phối hợp với các đơn vị chủ quản để xử lý nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
2. Về tổ chức quản lý và điều hành chi ngân sách nhà nước:
a) Về tổ chức điều hành chi ngân sách:
- Căn cứ Quyết định giao dự toán năm 2017 của UBND các cấp, cơ quan tài chính các cấp căn cứ khả năng ngân sách có trách nhiệm tổ chức ngay việc phân bổ dự toán kinh phí trên hệ thống TABMIS, đảm bảo có nguồn để cơ quan Kho bạc, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư các cấp thực hiện chi ngay từ đầu năm.
- Nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm 10% số chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) ngay từ khâu giao dự toán để dành nguồn chi thực hiện cải cách tiền lương theo chỉ tiêu được giao.
- Các ngành, các Chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao. Không đề nghị bổ sung các đề án chương trình, dự án hoặc đề xuất ban hành các chế độ, chính sách chi mới nâng định mức chi làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm.
- Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ cho các đơn vị lực lượng vũ trang của Trung ương đóng trên địa bàn khi kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ của địa phương theo yêu cầu bằng văn bản của UBND tỉnh và có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.
- Đơn vị sử dụng ngân sách các cấp, các cơ quan, đơn vị và cá nhân nghiêm túc tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ và theo yêu cầu đối với các kết luận, kiến nghị và quyết định của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, nhất là các nội dung kiến nghị, kết luận, quyết định còn tồn đọng chưa thực hiện. Đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác điều hành tài chính - ngân sách năm 2017, trong đó chú trọng các nội dung như: Quản lý tiền và tài sản nhà nước, thực hiện đúng chế độ, định mức chi; quản lý thực hiện mua sắm tài sản đúng quy định; quản lý giá dịch vụ công, chi hỗ trợ các đơn vị ngành dọc, chi tiếp khách, chi từ nguồn dự phòng v.v...
b) Tổ chức quản lý chi ngân sách:
b.1) Đối với chi đầu tư phát triển:
- Các chủ đầu tư dự án, công trình thực hiện nghiêm các quy định sau đây:
+ Rà soát thu hồi và xử lý dứt điểm các khoản đã ứng trước dự toán vốn đầu tư XDCB.