Chỉ thị 28/2013/CT-UBND về tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 28/2013/CT-UBND
Ngày ban hành 26/12/2013
Ngày có hiệu lực 05/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Hồ Văn Niên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2013/CT-UBND

Bà Rịa, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014 trong bối cảnh kinh tế của tỉnh cũng như cả nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2013 về phê chuẩn phương án phân bổ ngân sách năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Về tổ chức quản lý và điều hành thu ngân sách nhà nước:

a) Các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu theo các văn bản quy định của Chính phủ nhằm duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Qua đó duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ hàng quý.

b) Giao Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thu ngân sách ngay từ đầu năm, tăng cường công tác chống thất thu thuế, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chuyển nhượng vốn và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp lớn, có rủi ro cao về thuế, có dấu hiệu chuyển giá.

- Có biện pháp đôn đốc thu hồi các khoản thu đã hết thời gian được gia hạn, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, rà soát phân loại các khoản nợ thuế, đối tượng nợ thuế để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp, hạn chế phát sinh nợ mới.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chế độ, chính sách mới về thuế cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế trên địa bàn nghiêm túc chấp hành, đảm bảo công tác thu, nộp các khoản thuế được kịp thời, đầy đủ và đúng pháp luật, đồng thời triển khai có hiệu quả việc ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt qua hệ thống ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN).

c) Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu khẩn trương lập thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước các khoản thu đủ điều kiện nộp đối với các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản tăng thu, giảm chi do xuất toán theo kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

d) Kho bạc Nhà nước các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thực hiện khấu trừ 2% thuế giá trị gia tăng khi thanh toán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng tại tỉnh theo hướng dẫn tại Công văn số 6789/BTC-TCT ngày 29 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính.

e) Cục Thuế có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh trong quá trình hành thu, kịp thời phát hiện và có báo cáo kiến nghị các chính sách, chế độ làm giảm thu ngân sách địa phương như: điều chỉnh giá khí; các khoản thu dịch vụ và chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu, khí; các khoản thu phát sinh ở tỉnh nhưng nộp ở các địa phương khác .v.v...

g) Giao Cục Thuế tỉnh thực hiện kiểm tra việc thu, nộp vào ngân sách nhà nước đối với các khoản thu: cổ tức được chia năm 2013 và năm 2014 cho phần vốn nhà nước; lợi nhuận còn lại của năm 2013 và năm 2014 sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thu, sử dụng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí năm 2013, 2014 và miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013 và 2014 đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức ở một số lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.

h) Các đơn vị sự nghiệp có thu cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công, phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp nhằm tăng khả năng tự trang trải kinh phí hoạt động.

i) Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu được Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2014.

2. Về tổ chức quản lý và điều hành chi ngân sách nhà nước:

a) Về chi đầu tư phát triển:

- Các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đúng theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều hành xây dựng cơ bản năm 2014.

- Đối với các dự án đã được ứng trước kế hoạch vốn, chủ đầu tư và Kho bạc Nhà nước các cấp phải phối hợp thực hiện ngay việc thu hồi tạm ứng khi dự án được bố trí kế hoạch vốn (kể cả nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương). Riêng một số dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương hiện còn tạm ứng ngân sách tỉnh trong thời gian dài (như: dự án hồ chứa nước Sông Ray, dự án đường và cầu Gò Găng sang Long Sơn... ): Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có kế hoạch làm việc với các bộ, ngành trung ương có liên quan để được xem xét bố trí kế hoạch vốn có nguồn hoàn trả tạm ứng cho ngân sách tỉnh.

- Các cơ quan chủ quản, các chủ chương trình, dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ (từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân người nước ngoài) thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn theo mục tiêu viện trợ và đúng theo quy định. Định kỳ hàng quý (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, viện trợ và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Các chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng thời gian quy định. Giao Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện quyết toán dự án hoàn thành theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 19/2011/TT-BTC ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm về chế độ báo cáo quyết toán theo quy định.

- Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh:

+ Ngoài nguồn vốn đầu tư được phân cấp và nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí để thực hiện các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục ưu tiên dành một phần nguồn thu từ tiền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đảm bảo tiến độ hoàn thành các xã đạt chuẩn về nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh.

+ Bố trí vốn đầu tư để hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nơi ăn, nghỉ cho lực lượng dân quân thường trực và công an ở xã, phường, thị trấn tại địa bàn.

b) Về chi thường xuyên:

- Trong quý I năm 2014, nhu cầu chi thường xuyên tăng cao. Cho phép ngân sách các huyện, thành phố được rút dự toán bổ sung cân đối không vượt quá 1, 5 lần mức bình quân một tháng (1/12 tổng mức dự toán chi thường xuyên cả năm), nhưng phải đảm bảo tự điều hòa cân đối nhu cầu trong những tháng của quý sau để đảm bảo không vượt tổng mức dự toán được giao.

- Đơn vị dự toán các cấp sử dụng ngân sách phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng chế độ do Nhà nước quy định. Đối với các nội dung chi mua sắm hàng hóa - dịch vụ phải qua đấu thầu cần tổ chức đấu thầu mua sắm đúng theo quy định, kể cả các nội dung chi về cung cấp dịch vụ công. Đối với dịch vụ tư vấn, phải gắn việc thanh toán chi phí tư vấn các giai đoạn với kết quả sản phẩm tư vấn cuối cùng. Các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng ngân sách, trong quá trình lập dự án đầu tư, mua sắm tài sản, xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu cần ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư, lao động trong nước theo tinh thần Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Giám đốc các sở, ban, ngành tập trung nghiên cứu các quy định hiện hành tăng cường phân cấp quản lý nhà nước giữa tỉnh và các huyện, thành phố nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

[...]