Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2018 chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu đối với dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 26/03/2018
Ngày có hiệu lực 26/03/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 26 tháng 03 năm 2018

 

CHỈ THỊ

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG MUA SẮM THƯỜNG XUYÊN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn nhà nước, Quốc hội đã ban hành một số đạo Luật quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu…Trong đó, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Thông tư hướng dẫn của các Bộ đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác đấu thầu của cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng; từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.

Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu trên địa bàn thành phố từ khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực đến nay còn nhiều tồn tại như: Các gói thầu đấu thầu qua mạng còn hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu từ năm 2014 đến 2017 chỉ đạt mức bình quân 3,9% (thấp hơn bình quân chung cả nước năm 2016 là 7,11%); các bên liên quan trong hoạt động đấu thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, đặc biệt tình trạng thiếu công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu còn phổ biến; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu các quy định về đấu thầu, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu và đánh giá, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu làm kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu; việc không tuân thủ thực hiện quy định về chế độ báo cáo còn phổ biến; các cơ quan chức năng chưa có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu ...

Những tồn tại trong công tác đấu thầu nêu trên dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh trong đấu thầu, chất lượng một số dự án đầu tư và mua sắm thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được tốt hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên ngay trong năm 2018 và các năm tiếp theo nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu trên địa bàn thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, giám đốc các ban quản lý, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu có trách nhiệm nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Ngoài ra để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về quyết định Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2018; Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về quyết định dự toán và phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2018, Quyết định số 1079/2017/QĐ-UBND ngày 08/5/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy chế phân cấp, quản lý vốn đầu tư công đối với các quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các công việc trọng tâm sau:

1. Chủ đầu tư, bên mời thầu:

- Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về quản lý đấu thầu và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Danh mục các văn bản quy định về quản lý đấu thầu đang có hiệu lực thi hành được thống kê kèm theo Chỉ thị này).

- Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về đấu thầu cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu.

- Thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm theo quy định của Luật Đấu thầu; đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan trong toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng theo quy định. Xử lý tình huống, giải quyết kiến nghị của nhà thầu trong suốt quá trình đấu thầu theo thẩm quyền; báo cáo người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo Khoản 1, Điều 8 Luật Đấu thầu quy định Thông tin về đấu thầu và Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin.

- Để thực hiện Thông tư Liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó quy định: “Từ năm 2018 trở đi, thực hiện đấu thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi”, yêu cầu các chủ đầu tư khi đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đề xuất đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu: Chào hàng cạnh tranh; các gói thầu đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; đấu thầu rộng rãi gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng.

- Ưu tiên sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

- Chấp hành nghiêm túc quy định xử lý vi phạm về đấu thầu; kịp thời kiểm điểm, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Các chủ đầu tư sau khi phê duyệt hồ sơ yêu cầu (HSYC), hồ sơ mời thầu (HSMT), kết quả lựa chọn nhà thầu phải gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi. Khi tổ chức đóng, mở thầu phải mời: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia giám sát đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Ủy ban nhân dân thành phố; Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện giám sát đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cấp huyện và cấp xã; cơ quan chuyên môn tham gia giám sát đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các cơ quan có thẩm quyền khác.

- Tổ chức giải quyết tranh chấp, kiến nghị về đấu thầu theo thẩm quyền và đảm bảo thời gian theo quy định.

- Thực hiện trách nhiệm báo cáo về công tác đấu thầu: Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị làm đầu mối cung cấp thông tin về đấu thầu, tổng hợp, theo dõi, giám sát đánh giá tình hình thực hiện công tác đấu thầu của cơ quan, đơn vị; tổng hợp báo cáo công tác đấu thầu hàng năm của đơn vị gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 01 năm tiếp theo của kỳ báo cáo theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT ngày 05/12/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quan tâm nâng cao chất lượng nội dung báo cáo, bảo đảm số liệu chính xác, đầy đủ, trung thực và kịp thời....

- Thực hiện và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu thầu.

2. Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đấu thầu

Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thực hiện đúng trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan thẩm định và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về quản lý đấu thầu và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý và đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu (nếu có).

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật về đấu thầu cho các đơn vị trực thuộc, Phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện và các chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước.

- Lưu ý các cơ quan, đơn vị, các địa phương và các chủ đầu tư khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo thực hiện đấu thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện và yêu cầu xử lý kịp thời những tồn tại hoặc các hành vi vi phạm trong công tác đấu thầu. Rà soát năng lực của các chủ thể trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đấu thầu.

[...]