Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu dự án đầu tư phát triển và mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 14/02/2020
Ngày có hiệu lực 14/02/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Đầu tư,Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM, TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ MUA SẮM THƯỜNG XUYÊN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, Chỉ thị số 47/CT- TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Các Sở, Ban, ngành, các địa phương, chủ đầu tư, bên mời thầu đã chấp hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh; trong đó có việc tổ chức bán hồ sơ mời thầu tập trung tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công và bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố và thực hiện nghiêm việc tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình. Hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây qua công tác kiểm tra của Tổ kiểm tra giám sát đấu thầu của tỉnh và kiến nghị của các đơn vị dự thầu, phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện một số trường hợp tồn tại trong đấu thầu, cụ thể: (1) Đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu; (2) cản trở việc mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu của nhà thầu; (3) quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất còn mang tính chủ quan, chưa thực hiện đúng trình tự quy định; không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ hồ sơ dự thầu,tạo bất lợi đối với một số nhà thầu; (5) một số chủ đầu tư, bên mời thầu không thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu hoặc đăng tải thông tin không đầy đủ về đấu thầu theo quy định; (6) một số địa phương, đơn vị còn chậm trễ, lúng túng trong việc giải quyết kiến nghị, tranh chấp trong đấu thầu dẫn đến tình trạng kiến nghị vượt cấp, kéo dài.

Để khắc phục tình trạng trên, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc cấp huyện và các đơn vị chủ đầu tư, bên mời thầu tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và đầu tư; trong đó có một số yêu cầu sau:

1. Thực hiện đấu thầu qua mạng

1.1. Nghiêm túc thực hiện việc tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư; cụ thể:

- Năm 2020 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 05 (năm) tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 (mười) tỷ đồng và bảo đảm các gói thầu đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 60% về tổng số lượng và đạt tối thiểu 25% về tổng giá trị.

- Năm 2021 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 (mười) tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 (hai mươi) tỷ đồng và bảo đảm các gói thầu đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 70% về tổng số lượng và đạt tối thiểu 35% về tổng giá trị.

- Từ năm 2022 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) các gói thầu sử dụng vốn nhà nước mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung.

1.2. Thủ trưởng các cơ quan, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, đầu tư nâng cấp thiết bị, hạ tầng mạng và tăng cường năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu, tổ chức thực hiện tốt công tác đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình và xử lý nghiêm chủ đầu tư, bên mời thầu, các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.

2. Đối với công tác lập, đăng tải thông báo, thông tin, phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC)

2.1. Đối với công tác lập HSMST, HSMT/HSYC

a) Đảm bảo các nội dung yêu cầu trong HSMST, HSMT/HSYC được lập theo đúng mẫu quy định tại các Thông tư của Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành; không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu HSMST, HSMT/HSYC hoặc đưa tiêu chí yêu cầu không phù hợp.

b) HSMST, HSMT/HSYC được xây dựng phải đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp với yêu cầu cụ thể từng gói thầu, thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu, đảm bảo tuân thủ theo đúng nguyên tắc quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014của Chính phủ, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu; cụ thể:

- Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

- Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế..., trong HSMT/HSYC có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trường hợp trong hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX), nhà thầu không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá HSDT/HSĐX và chỉ được trao hợp đồng sau khi đã cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

- Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu; thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể,... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu.

2.2. Đăng tải thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu và thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Việc công khai thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT ngày 05/12/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Nội dung thông báo kết quả sơ tuyển, kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất (HSĐX) kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu lý do nhà thầu bị loại để đảm bảo công khai, minh bạch và tránh khiếu nại, khiếu kiện. Đối với gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế, chủ đầu tư, bên mời thầu phải đăng tải đầy đủ nội dung thông báo mời thầu/kết quả lựa chọn nhà thầu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2.3. Phát hành HSMST, HSMT/HSYC

a) Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc việc bán HSMT tập trung tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (Đối với các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm hàng hóa sử dụng vốn nhà nước do cấp tỉnh quản lý), Trung tâm Hành chính công hoặc bộ phận một cửa của các huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng HĐND và UBND các xã, phường, thị trấn (Đối với các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm hàng hóa sử dụng vốn nhà nước do cấp huyện, cấp xã quản lý). Trong quá trình tổ chức thực hiện, lưu ý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn công tác phát hành HSMT.

b) Nghiêm cấm các chủ đầu tư, bên mời thầu có hành vi thông đồng với nhà thầu, tự ý di dời địa điểm bán HSMT đến nơi khác, trốn tránh, không bán hoặc bán chậm trễ HSMT; cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất. Nếu có hành vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

c) HSMT/HSYC phải được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định; khuyến khích đăng tải thêm trên trang thông tin điện tử của ngành, địa phương để tăng cường tính công khai, minh bạch.

d) Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, bắt buộc phải ghi rõ thông tin tên, số điện thoại, địa chỉ bên mời thầu; số điện thoại của cán bộ phụ trách phát hành HSMT/HSYC. Trường hợp sử dụng tư vấn đấu thầu để hỗ trợ việc phát hành HSMT/HSYC, thì có thể bổ sung thêm thông tin, số điện thoại, địa chỉ của tư vấn đấu thầu. Việc phát hành HSMT/HSYC được thực hiện ở cả địa chỉ của chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu (nếu có). Bên mời thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhà thầu bị cản trở không thể tiếp cận thông tin trong đấu thầu, không mua được HSMT/HSYC với lý do như không có cán bộ trực ban, không có đủ HSMT/HSYC.

Công khai đường dây nóng của Báo đấu thầu theo số điện thoại 0243.768.6611 khi phát hành HSMT/HSYC để nhà thầu có thể phản ánh kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

3. Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST), hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX) và thẩm định các nội dung trong đấu thầu

3.1. Đánh giá HSDST, HSDT/HSĐX

a) Việc đánh giá HSDST, HSDT/HSĐX phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDST, HSDT/HSĐX và các yêu cầu khác trong HSMST, HSMT/HSYC, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá HSDST, HSDT/HSĐX.

[...]