Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 về tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 26/04/2013
Ngày có hiệu lực 26/04/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 26 tháng 04 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thời gian qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh đã tuân theo Luật Báo chí và các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề, sự kiện nổi bật, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh của tỉnh đến với cả nước và quốc tế; phản ánh kịp thời mọi mặt đời sống xã hội đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa nghiêm, chưa kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí; chưa chủ động phối hợp xử lý các thông tin báo nêu cần định hướng, làm rõ; tổ chức họp báo chưa đúng quy định; một số báo thông tin một chiều, thiếu chính xác… ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh cũng như các ngành, địa phương, đơn vị.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Thực hiện nghiêm Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 2227/UBND-VX ngày 29 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí và các văn bản quy định về quản lý và hoạt động báo chí hiện hành.

b) Rà soát, cử người phát ngôn có đủ trách nhiệm, phẩm chất, kỹ năng tổng hợp xử lý thông tin. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí nắm bắt thông tin đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Từ chối, không cung cấp thông tin cho báo chí trong những trường hợp được quy định tại Khoản 3, Điều 5 của Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Khi nhận được thông tin về các vụ việc nhạy cảm do báo chí phản ánh hoặc văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng về vấn đề báo nêu, các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để xem xét, giải quyết. Trường hợp không đồng ý với thông tin do báo chí đăng, phát, cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí để phối hợp giải quyết.

d) Khi tổ chức họp báo để cung cấp thông tin hoặc định hướng thông tin cho báo chí phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông chậm nhất 6 giờ đồng hồ trước khi họp báo. Trường hợp không tổ chức họp báo, cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin cho báo chí bằng văn bản hoặc trực tiếp tại Hội nghị giao ban báo chí hàng tháng do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh thực hiện.

đ) Khi tiếp và làm việc với báo chí, cơ quan, đơn vị có quyền yêu cầu phóng viên xuất trình Thẻ Nhà báo. Trường hợp chưa có Thẻ Nhà báo phải có Giấy giới thiệu do Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập ký kèm theo Giấy chứng minh nhân dân. Nếu phát hiện có dấu hiệu giả mạo, giả danh nhà báo, phóng viên thì phải từ chối làm việc, đồng thời báo ngay cho Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

e) Khi tổ chức cho phóng viên, nhà báo hoạt động trong các đại hội, hội nghị và các buổi lễ, cơ quan, đơn vị mời phóng viên đến đưa tin phải có trách nhiệm: Thông báo quy định làm việc, chương trình hoạt động; những thông tin, tài liệu được phép công khai, thông cáo báo chí; bố trí vị trí thuận lợi, phù hợp với hoạt động nghiệp vụ báo chí và tính chất, yêu cầu của hoạt động lễ tân.

f) Khi trả lời phỏng vấn báo chí, người được phỏng vấn có quyền yêu cầu phóng viên gửi trước câu hỏi hoặc cho biết mục đích, yêu cầu và nội dung phỏng vấn để chuẩn bị trước. Người trả lời phỏng vấn có quyền xem lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí; có quyền từ chối trả lời phỏng vấn khi chưa kịp chuẩn bị hoặc không có trách nhiệm và thẩm quyền trả lời.

g) Khi khai thác, sử dụng các thông tin của các cơ quan báo chí để đăng, phát trên trang thông tin điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả và Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

2. Các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh:

a) Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định về quản lý và hoạt động báo chí.

b) Tăng cường, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh trong việc tổ chức giao ban, gặp mặt báo chí, trao đổi, chia sẻ và xử lý thông tin.

c) Khi có văn bản kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nội dung thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, thiếu chính xác, cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả theo quy định “Cải chính trên báo chí”.

d) Khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo phải thực hiện theo quy định về quản lý và hoạt động báo chí; xuất trình Thẻ Nhà báo, nếu chưa có Thẻ Nhà báo thì xuất trình Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí và Giấy chứng minh nhân dân; các loại thẻ khác do cơ quan báo chí cấp không có giá trị hành nghề. Để đảm bảo nguồn thông tin chính thống, kịp thời, phóng viên, nhà báo liên hệ với lãnh đạo hoặc người phát ngôn của cơ quan, đơn vị để thu thập thông tin.

e) Khi có giấy mời tham dự, đưa tin tại các đại hội, hội nghị và các hoạt động lễ tân khác, cơ quan báo chí có trách nhiệm cử phóng viên có đủ tiêu chuẩn chính trị và nghiệp vụ báo chí phù hợp với tính chất và yêu cầu của hoạt động lễ tân. Phóng viên, nhà báo phải thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự của hoạt động lễ tân và nội quy, quy định làm việc chung của cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động lễ tân.

f) Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh khi có sự thay đổi về nhân sự, yêu cầu chấp hành quy định tại Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT, ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; Thông tư số 21/2011/TT ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT; cơ quan đại diện chỉ được phép hoạt động sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tích cực xây dựng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy hoạch, kế hoạch về phát triển báo chí; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, hoạt động báo chí trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Hướng dẫn, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, về quyền tác giả và quyền liên quan, nhất là các trường hợp giả mạo phóng viên, nhà báo.

d) Kiểm tra, rà soát hoạt động báo chí của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Báo chí, Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư số 21/2011/TT ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT; thông báo kịp thời danh sách phóng viên, cộng tác viên các cơ quan đại diện tới các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; cung cấp kịp thời danh sách, những thay đổi về người phát ngôn của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh cho các cơ quan báo chí.

e) Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh nâng cao chất lượng giao ban báo chí hàng tháng của tỉnh và gặp mặt phóng viên thường trú theo định kỳ; tổ chức điểm báo để giúp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời tình hình báo chí viết về Quảng Bình; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, về các vụ việc nhạy cảm báo chí tập trung phản ánh; làm đầu mối tổ chức các cuộc họp giữa các bên liên quan nhằm cung cấp thông tin chính thống và giải trình về những vấn đề báo chí nêu cần được làm rõ.

f) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp mặt báo chí; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, nhà báo, người phát ngôn; tổng hợp, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng, kỷ luật trong quản lý, hoạt động báo chí theo quy định.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ